Nhóm tàu hải quân Nga gồm hộ vệ hạm Đô đốc Gorshkov, tàu dầu Pashin và tàu cứu kéo Nikolay Chiker ngày 12/6 cập cảng Cuba, dự kiến ở lại quốc gia vùng Caribe tới ngày 17/6.
Khi di chuyển qua vịnh Havana, nhóm tàu hải quân Nga được quân đội Cuba chào đón với 21 phát đại bác bắn từ pháo đài có từ thế kỷ 18. Chiến hạm Đô đốc Gorshkov đáp lại nghi thức này với số phát đại bác tương ứng, trong khi các nhà ngoại giao Nga vẫy quốc kỳ và chụp ảnh selfie khi nhóm tàu chiến đi qua.
Nhóm tàu nổi này cùng tàu ngầm hạt nhân Kazan sau đó cập cảng Havana và sẽ ở thăm Cuba đến ngày 17/6. Trước đó, các chiến hạm Nga đã tiến hành diễn tập tên lửa ở vùng biển ngoài khơi Cuba.
Trong những tuần tới, nhóm tàu hải quân Nga sẽ tham gia diễn tập trên không và trên biển tại vùng Caribe. Đây là cuộc diễn tập đầu tiên của quân đội Nga tại khu vực kể từ năm 2019. Quân đội Mỹ nhận định nhóm tàu Nga có thể tới Venezuela và ở lại khu vực Caribe trong suốt mùa hè.
Nga tuyên bố chuyến thăm cảng là hoạt động hợp tác quân sự theo thông lệ với Cuba. Các quan chức Mỹ cho rằng đợt diễn tập của hải quân Nga tại vùng Caribe không phải mối đe dọa với nước này.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn điều chiến hạm theo dõi nhóm tàu hải quân Nga, trong đó có hai khu trục hạm, hai tàu kéo thiết bị thủy âm để theo dõi tàu ngầm, một khu trục hạm, một tàu tuần duyên và hai máy bay tuần thám P-8.
Nhóm chiến hạm Nga cập cảng Cuba chưa đầy hai tuần sau khi Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tập kích lãnh thổ nước láng giềng. Giới chức Nga sau đó cảnh báo sẽ đáp trả bằng các biện pháp phi đối xứng ở nhiều nơi trên thế giới, thậm chí nêu ý tưởng "chuyển giao vũ khí tầm xa cho các bên để tập kích hạ tầng phương Tây".
Nga dọa chuyển vũ khí cho các bên có thể tập kích phương Tây
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói các chuyến thăm cảng Cuba của chiến hạm Nga là hoạt động thường lệ. Tuy nhiên, người này thừa nhận Nga mở rộng quy mô diễn tập "do Mỹ tăng hỗ trợ cho Ukraine và diễn tập với các nước thành viên NATO".
Nghi lễ bắn 21 phát đại bác chào mừng có nguồn gốc từ thế kỷ 16. Để thể hiện ý định hòa bình, chiến hạm sẽ bắn hết đạn pháo xuống biển. Do thời gian nạp đạn lâu, con tàu được coi là đã giải giáp và không thể hiện ý định thù địch. Lượng đạn bắn là số lẻ do các lực lượng hải quân khi đó coi số chẵn biểu thị cho cái chết.
Anh quy định chiến hạm bắn 7 phát để chào quốc gia mà họ tới thăm, còn pháo đài trên bộ sẽ bắn gấp ba lần số đó, do đó có nghi lễ 21 phát đại bác. Điều này xuất phát từ việc thuốc phóng đạn khi đó làm từ natri nitrat dễ bảo quản trên bờ hơn là trên biển.
Nguyễn Tiến (Theo AP, CNN)