Cách Doha chưa đến một giờ lái xe về phía tây, gần đường Salwa Road, có một vực thẳm lớn nằm giữa sa mạc, xuyên xuống lòng đất khoảng 100 m. Đây là Musfur, chiếc hố cổ đại khổng lồ được cho là hố tử thần (hay hố sụt) sâu nhất có thể tiếp cận từng phát hiện ở Qatar.
Miệng hố Musfur được hàng rào bảo vệ bao quanh. Tuy nhiên, các nhà thám hiểm vẫn có thể xuống đáy hố để khám phá. Ánh sáng từ lối vào giảm dần khi trèo xuống phía dưới, trong khi những cơn gió dễ chịu thổi qua các lớp đá vôi và thạch cao. Dù gần như không có thực vật sinh sống, các nhà thám hiểm có thể bắt gặp những con chim nhỏ xây tổ trong khe đá.
Hố tử thần là đặc điểm điển hình của địa hình karst. Môi trường đặc biệt này hình thành do nước có tính axit nhẹ tác động lên nền đá có thể hòa tan như đá vôi. Khi nước thấm vào đá, đá dần dần bị mòn và tạo ra các hốc. Qua thời gian, các hốc này bị đất cát lấp đầy. Khi chúng trở nên đủ lớn và mái vòm sập xuống, hố tử thần xuất hiện.
"Phần lớn địa hình karst ở vùng trung tâm Qatar hình thành do sự phân giải của các trầm tích carbonate và sulfate dưới bề mặt do điều kiện khí hậu ẩm ướt và hiện tượng sụt lún vào giữa thế Pleistocen (325.000 - 560.000 năm trước)", hai nhà địa chất Abdulali M. Sadiq và Sobhi J. Nasir viết trên tạp chí Cave and Karst Studies.
"Nếu biết karst hình thành như thế nào, bạn sẽ thấy giống như đang quay ngược thời gian địa chất, quan sát cách nước lưu thông và tạo ra những lỗ hổng trên nền đá", Aspa D. Chatziefthimiou, nhà sinh thái học cấp cao tại tổ chức Lịch sử Tự nhiên Qatar, chia sẻ với CNN hôm 30/12/2021. Chatziefthimiou đã ghé thăm Musfur vài lần trong thập kỷ qua. Bà cho biết, việc nghiên cứu hố tử thần sẽ mở ra cánh cửa dẫn đến quá khứ xa xôi.
Thu Thảo (Theo CNN)