Ngày 28/1, một hố tử thần sâu hoắm rộng khoảng 10 m bất ngờ xuất hiện giữa ngã tư ở thành phố Yashio, tỉnh Saitama, nuốt chửng một xe tải ba tấn cùng tài xế 74 tuổi. Giới chức Nhật đã triển khai lực lượng cứu nạn cùng máy xúc, máy cẩu làm việc liên tục nhiều ngày qua, nhưng hiện vẫn chưa tìm thấy tài xế bên dưới hố sụt.
Giới chức tỉnh Saitama cho biết hệ thống cống dẫn nước thải nằm sâu 10 m dưới đường bị mòn thủng, khiến đất cát chảy vào trong đường ống, tạo thành khoảng trống trong nền đất xung quanh, hình thành hố sụt khi các phương tiện đi qua. Hệ thống cống thoát nước tỉnh Saitama được xây dựng từ năm 1983, có đường kính hơn 4 m.
Khu vực hố tử thần xuất hiện còn có một cống thoát nước mưa nằm sâu 2 m. Nước thoát ra từ các cống ngầm càng làm xói mòn đất xung quanh, khiến hố mở rộng gấp 4 lần và sâu đến 15 m.
Sự việc làm dấy lên nỗi lo ngại về hệ thống cống ngầm ở Nhật Bản, vốn đã xuống cấp sau hàng chục năm sử dụng. Việc khảo sát và khắc phục kịp thời những hư hại để loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn đang là vấn đề nan giải với giới chức nước này.
Takashi Oguchi, nhà địa lý tại Đại học Tokyo, cảnh báo hố tử thần rất dễ hình thành ở Nhật, bởi các con đường tại đây được xây dựng trên nền trầm tích chưa cố kết. Nếu hệ thống cống ngầm bị hư hại, nước rò rỉ có thể cuốn trôi lớp trầm tích phía dưới, gây sụt lún.
Trong trường hợp hố tử thần ở Yashio, nguyên nhân được cho là chất thải hữu cơ trong cống phát sinh khí hydro sulfide (H2S) có mùi trứng thối. "Ở những khúc cong, dòng chảy chất thải chậm lại, dễ hình thành khí H2S hơn", Hiroyuki Kato, cựu kỹ thuật viên cấp cao tại Bộ Đất đai, Hạ tầng, Vận tải và Du lịch Nhật Bản (MLIT), nói với Asahi.
Khi nước thải chảy qua đoạn cống có độ dốc lớn, khoảng trống bên trong đường ống hình thành, khiến H2S được giải phóng vào không khí, tạo nên axit sulfuric (H2SO4) bám vào và dần dần ăn mòn thành cống, gây rò rỉ, theo Viện Quốc gia về Quản lý Đất đai và Hạ tầng thuộc MLIT. Trong các vật liệu xây dựng, ống cống bằng bê tông dễ bị hư hại nhất vì khí H2S.
Hầu hết hạ tầng công cộng của Nhật Bản có từ những năm 1960 và 1970, trong giai đoạn bùng nổ kinh tế hậu Thế chiến II, trong đó hệ thống cống thoát nước có tổng chiều dài khoảng 490.000 km. 7% số đường ống thoát nước của Nhật đã vượt quá tuổi thọ tiêu chuẩn 50 năm, tỷ lệ này dự kiến tăng lên 40% trong 20 năm tới.
Reiko Kuwano, giáo sư xây dựng tại Đại học Tokyo, nói việc kiểm tra tình trạng và sửa chữa các đường ống nằm sâu dưới đất từ lâu đã là thách thức với giới chức Nhật Bản.
MLIT năm 2015 chỉnh sửa Đạo luật Thoát nước, yêu cầu chính quyền địa phương phải kiểm tra cống có nguy cơ cao bị hư hại ít nhất 5 năm một lần. Quá trình khảo sát tập trung vào các cống bê tông có độ dốc lớn và vị trí dễ xuất hiện khí H2S. Tính đến tháng 9/2024, Nhật Bản cần kiểm tra tổng cộng 3.463 km đường ống.
Theo Nikkei, một chương trình kiểm tra toàn diện được triển khai năm 2021 đã khảo sát được khoảng 1.800 km ống cống sau ba năm thực hiện. Trong số này, 228 km được đánh giá là có bất thường, như bị nứt.
Năm tài khóa 2022, Nhật Bản ghi nhận hơn 2.600 vụ sụt lún đường, cho thấy nỗ lực kiểm tra và sửa chữa chưa bắt kịp với tốc độ xuống cấp của hạ tầng ngầm. Hơn 1.520 vụ xảy ra tại các thành phố lớn, nơi hệ thống cống được đưa vào sử dụng sớm hơn khu vực khác.
"Những sự việc tương tự sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai, vì các cống ngầm đang dần xuống cấp, từng chút một. Nhiều đường ống còn nằm dưới các tuyến đường", ông Oguchi nói với CNN.
Shinya Inazumi, giáo sư xây dựng tại Viện Shibaura về Công nghệ, cho rằng "các điểm ăn mòn được phát hiện hầu hết đều đã ở giai đoạn nghiêm trọng", do đó Nhật Bản cần phải phát triển phương thức giúp giải quyết vấn đề sớm hơn.
Tại Osaka, chính quyền thành phố thuê một công ty tư nhân quản lý và sửa chữa hệ thống cống, mỗi năm thay thế được khoảng 55 km trong mạng lưới cống 5.000 km.
"Để ngăn chất thải tích lũy, chúng tôi đã điều chỉnh độ dốc cống. Chúng tôi cũng dùng camera để kiểm tra thay vì chỉ dựa vào tuổi thọ đường ống để giảm thiểu rủi ro", một quan chức Osaka nhấn mạnh. Một số địa phương gần đây còn sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình đánh giá độ ăn mòn của đường ống.
Ông Kato, hiện là phó giáo sư Đại học Tokyo, cho rằng rất khó để kiểm tra đường cống 5 năm một lần theo Đạo luật Thoát nước, do giới chức các địa phương thiếu hụt nguồn tài chính và nhân lực.
"Những hệ thống cống lớn nằm khắp đất nước và hầu hết thành phố được xây dựng trên nền đất mềm", giáo sư Inazumi nói. "Người dân nên hiểu rằng vụ sụt hố tử thần này không phải tai nạn hy hữu. Chúng ta nên coi hố tử thần là một nguy cơ thảm họa lớn".
Như Tâm (Theo NHK, CNN, Asahi)