Tổng liên đoàn Lao động ngày 19/5 đã quyết chi hỗ trợ khẩn cấp công nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và tuyến đầu chống dịch. Nguồn kinh phí trích từ dự toán thu, chi tài chính công đoàn các cấp năm 2021. Việc hỗ trợ không áp dụng với người cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, công nhân đang cách ly tại nhà thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, phải tạm nghỉ việc do đang cư trú trong nơi bị phong tỏa sẽ nhận hỗ trợ 500.000 đồng.
Cán bộ công đoàn đi chống dịch tại nơi có Covid-19 được hỗ trợ 80.000 -150.000 đồng mỗi ngày tùy theo cấp, mức độ công việc nhưng không quá 2 triệu đồng mỗi người. Tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung sẽ được hỗ trợ 10 - 50 triệu đồng mỗi đơn vị.
Tổng liên đoàn giao công đoàn các cấp lên danh sách người lao động bị ảnh hưởng để kịp hỗ trợ, vận động các nguồn lực xã hội để có thêm sự giúp đỡ cho công nhân.
Chủ tịch Tổng liên đoàn Nguyễn Đình Khang cho biết đợt dịch bùng phát với hàng trăm ca nhiễm là công nhân, hàng chục nghìn công nhân F1 đang cách ly tập trung hoặc F2 cách ly tại nhà. Họ là lao động trực tiếp, lại là trụ cột gia đình.
"Dịch vừa đe dọa sức khỏe, vừa làm giảm thu nhập ban đầu của công nhân. Nếu dịch kéo dài, công nhân có thể không có lương, thậm chí mất việc, đói nghèo, ảnh hưởng học hành của con cái nên việc hỗ trợ là thực sự cần thiết", ông Khang nói.
Theo thống kê của Tổng liên đoàn, cả nước hiện ghi nhận hơn 600 công nhân dương tính Covid-19 tại 9 tỉnh thành, chiếm gần một nửa tổng số ca nhiễm đợt dịch này. Riêng Bắc Giang 579 ca bệnh là công nhân, tính đến hết 19/5. Số lượng có thể tăng lên hàng ngày do F1, F2 đang cách ly rất lớn. Đặc biệt là tâm dịch Bắc Giang với ổ dịch Hosiden đang cho xét nghiệm lại toàn bộ 4.500 công nhân.
Hoàng Phương