Cuộc truy tìm kho báu trên đảo Oak được cho là bắt đầu vào khoảng năm 1795. Khi đó, Daniel McGinnis, một thiếu niên 16 tuổi, đã băng qua hòn đảo thuộc tỉnh bang Nova Scotia của Canada trong một chuyến câu cá và phát hiện vài điều kỳ lạ.
McGinnis nhìn thấy những vết hằn trên một cây sồi già, gần đó là một hố sâu, nên suy đoán các dấu vết trên cây từng là chỗ buộc hệ thống dây và ròng rọc để đưa thứ gì đó xuống lòng đất. Do lớn lên cùng những câu chuyện phiêu lưu của hải tặc, McGinnis ngay lập tức tự hỏi liệu đây có phải nơi họ chôn giấu kho báu hay không.
Với trí tò mò được kích thích, McGinnis trở lại đảo Oak ngay hôm sau cùng hai người bạn và bắt đầu đào "kho báu". Các cậu bé nhanh chóng nhận thấy lớp đất sét nông vốn có những dấu vết đào bới từ trước, nhưng cũng không thể đào sâu hơn nữa. Bên dưới lớp đất sét ở đáy hố là nhiều khúc gỗ và đá hộc, trong khi ba cậu bé chỉ mang cuốc xẻng, nên họ đành đi về.
Tuy nhiên, McGinnis không bao giờ quên những gì mình từng thấy. 9 năm sau, khi đã 25 tuổi, anh trở lại hòn đảo và cố gắng tìm kiếm một lần nữa. Lần này, McGinnis cùng nhóm đồng hành phát hiện một viên đá được khắc dòng mật mã bí ẩn, nhưng không thể giải nghĩa. Một thành viên trong nhóm của McGinnis sau này thậm chí dùng viên đá đó làm gạch ốp lò sưởi.
Khi nhóm thám hiểm nỗ lực đào sâu hơn, họ nhận thấy chiếc hố chứa đầy nước. Với nỗi thất vọng ngập tràn, họ cuối cùng phải hủy dự án tìm kho báu.
Tuy nhiên, thông tin về chiếc hố mà McGinnis phát hiện trên đảo Oak lan truyền và nó được gọi là "Hố Tiền". Cuộc đua giành kho báu trong "Hố Tiền" trên đảo cũng bắt đầu.
Manh mối quan trọng về bí ẩn trên đảo Oak được đưa ra vào năm 1865. James Liechti, một giáo sư ngôn ngữ học, tuyên bố đã giải nghĩa được dòng mật mã trên viên đá: "Ở độ sâu 40 feet (hơn 12 m), 2 triệu bảng Anh được chôn giấu".
Suốt 200 năm kể từ khi McGinnis phát hiện các chi tiết kỳ lạ, nhiều người đã cố gắng chặn dòng chảy của nước và khoan đào những vị trí khác trên hòn đảo, nhưng đều không tìm được gì đáng chú ý.
Thế bế tắc làm dấy lên hoài nghi rằng các thợ săn kho báu có theo đuổi một kho vàng tưởng tượng. Tuy nhiên, những manh mối được phát hiện qua các năm đủ để duy trì niềm tin vào sự tồn tại của kho báu bí ẩn. Các thợ săn kho báu từng tìm thấy tiền xu, những mảnh sành sứ, đồ gốm, kéo hay giấy da trong "Hố Tiền".
Trước khi trở thành tổng thống Mỹ giai đoạn 1933-1945, Franklin Rooseveltcũng quan tâm đến kho báu trên đảo Oak. Năm 1909, ông tham gia hai nhóm săn kho báu là Hiệp hội Đảo Oak và Trục vớt Vàng Cổ, sau đó tiếp tục cập nhật thông tin về hòn đảo khi đã trở thành tổng thống.
Tuy nhiên, hành trình truy tìm kho báu nguy hiểm một cách khó ngờ, khiến một số người tự hỏi có phải kho báu được bảo vệ bằng một lời nguyền hay không.
Bi kịch đầu tiên xảy ra trước cả khi giáo sư Liechti giải mã được thông điệp trên viên đá. Năm 1861, các thợ săn kho báu mang một máy bơm chạy bằng động cơ hơi nước lên đảo Oak, với hy vọng rút hết nước ra khỏi "Hố Tiền". Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, lò hơi trong động cơ hơi nước phát nổ, khiến một thành viên trong đoàn tử vong.
Sau sự cố này, 5 người khác cũng thiệt mạng trong những tai nạn xảy ra tại đảo Oak, trong đó có vụ 4 người đàn ông tử vong vì ngộ độc hydro sulfua trong lúc cố gắng tiếp cận nơi được cho là cất giấu kho báu năm 1965. Tuy nhiên, nỗi sợ cái chết vẫn không dập tắt được hy vọng làm giàu của nhiều người trong những năm qua.
Trong nỗ lực khám phá bí ẩn xung quanh hòn đảo, hai anh em Marty và Rick Lagina đã tham gia chương trình truyền hình thực tế "Lời nguyền Đảo Oak" trên kênh History, bắt đầu từ năm 2014 và kéo dài đến nay. Họ dành nhiều thời gian để kiểm tra "Hố Tiền" và tìm thấy nhiều manh mối ly kỳ, như chiếc trâm làm từ ngọc hồng lựu 500 năm tuổi và cây thánh giá bằng chì được làm trong giai đoạn 1200-1600.
Mặc dù vậy, sau hàng trăm năm tìm kiếm, chưa có kho báu lớn nào được khai quật từ "Hố Tiền". Bí ẩn về đảo Oak vẫn chưa được giải đáp, nhưng rất nhiều giả thuyết được đưa ra. Nếu kho báu tồn tại thì ai đã chôn giấu? Họ để lại những gì trong "Hố Tiền"?
Giả thuyết nổi bật, lần đầu được trình bày trong cuốn sách "Đảo Oak và Kho báu Thất lạc", cho rằng số của cải thuộc về một nhà thám hiểm người Anh tên William Phips. Theo giả thuyết này, Phips tình cờ gặp một con tàu đắm của Tây Ban Nha chở kho báu vào năm 1687, sau đó mang một phần về Anh với tham vọng sử dụng nó để lật đổ Vua James II.
Tuy nhiên, Phips biết rằng con tàu đắm vẫn còn nhiều của cải, nên trở lại để thu thập thêm chiến lợi phẩm, rồi chôn chúng trên đảo Oak để đảm bảo an toàn. Điều ông không ngờ tới là khi đào đất để lấy lại số của cải này, nước đột ngột tràn vào hố, khiến kho báu không thể tiếp cận. Chính quyền Anh được cho là cũng vào cuộc tìm kho báu nhưng thất bại, nên đã đặt bẫy trong "Hố Tiền".
Giả thuyết này càng thuyết phục hơn dựa vào những gì đã được phát hiện trên hòn đảo. Các mẫu địa chất khoan được ở vùng đầm lầy trên đảo cho thấy hoạt động của con người đã diễn ra tại đây từ năm 1674 đến 1700. Các thợ săn kho báu còn tìm thấy xương, gỗ và rìu dường như có niên đại từ thế kỷ 17 trên đảo.
Dù vậy, những bí ẩn liên quan đến "Hố Tiền" vẫn chưa có lời giải đáp và nhiều thợ săn kho báu có lẽ vẫn sẽ tiếp tục kéo đến hòn đảo Canada này.
Ánh Ngọc (Theo ATI)