33 cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội huyện Củ Chi, TP HCM gần như không có ngày nghỉ kể từ đầu tháng 10 đến nay. Họ tăng ca liên tục nhằm giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần (BHXH) cho người lao động, đảm bảo thời gian trả kết quả trong 5 ngày. Cơ quan này đã tiếp nhận hơn 3.000 hồ sơ "về một cục" trong tháng 10, gấp 30 lần so với tháng 9. Cao điểm đầu tuần, đầu tháng, số hồ sơ nộp mỗi ngày lên tới 400.
Hơn 700.000 người đã rút BHXH một lần trong 10 tháng đầu năm 2021, theo thống kê của BHXH Việt Nam. Con số gấp 1,5 lần so với sáu tháng đầu năm và tăng gần 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. Người lao động rút BHXH một lần đang tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai sau thời điểm dịch dần được khống chế.
Tại Đồng Nai, BHXH tỉnh này đã giải quyết hồ sơ cho hơn 42.000 lao động, chi trả 2.300 tỷ đồng, tính từ đầu năm đến ngày 15/11. Lượng người rút tăng dần qua các tháng, đặc biệt hồ sơ của tháng 10 vọt lên 6.580, gấp bảy lần so với tháng 9 là 964 hồ sơ. Tại Bình Dương hơn 6.400 lao động chọn rút một lần, tăng trên 40% so với tháng 10/2020.
Chọn rời khỏi lưới an sinh, ngoài nhóm nghỉ việc đủ 12 tháng theo quy định, còn có không ít lao động đã nghỉ việc 2-3 năm. Họ là những người từng lựa chọn bảo lưu thời gian đóng BHXH, nhưng đại dịch kéo dài, mất việc đã khiến nhóm này quyết định chọn hưởng một lần. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến số lượng hồ sơ tăng lên sau thời gian dài cách ly xã hội.
Anh Nguyễn Thành Công, trú xã Tân Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM, tính toán sẽ nhận khoảng 30 triệu đồng cho 2 năm 11 tháng đóng BHXH. Hai năm trước, Công nghỉ việc ở nhà máy may, xoay sang làm thợ hồ. Anh tính cầm cự một thời gian, rồi quay lại công ty, tiếp tục đóng BHXH.
Khi đợt dịch thứ tư bùng phát, gia đình không ai có thể đi làm, ngồi yên theo Chỉ thị 16 gần bốn tháng. Người đàn ông 28 tuổi phải phụng dưỡng mẹ già, nuôi con nhỏ, không biết xoay sở làm sao. Anh nghĩ ngay đến món tiền trong quỹ BHXH.
Theo thống kê, phần lớn lao động chọn "về một cục" tại Đồng Nai làm việc dưới 10 năm, mức lương mỗi tháng 5-6 triệu đồng. Lãnh đạo BHXH tỉnh phân tích, đây đa phần là công nhân trẻ, lương thấp, không có tích lũy. Khi dịch bùng phát, họ gặp khó khăn về tài chính, khó tìm được việc làm mới nên chọn rút bảo hiểm để trang trải cuộc sống. Dự đoán tình trạng này tiếp diễn thời gian tới.
60% lao động ngoại tỉnh tại Bình Dương làm công nhân với mức lương "đủ sống". Họ không có tích lũy khi phải trả tiền thuê trọ, ăn uống, nuôi con và nhiều người muốn về quê sau 10-15 năm làm công nhân, tuổi xuân không còn.
Tình trạng này không mới nhưng đã tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch. 5 năm qua, hơn 3,7 triệu lao động đã rời khỏi lưới an sinh bằng cách chọn rút BHXH một lần. "Cứ hai người tham gia BHXH thì có một người rời đi", Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê.
Để người lao động ở lại với lưới an sinh, chính sách BHXH phải có những điều chỉnh về thụ hưởng hay liên kết với các chương trình phúc lợi khác của Chính phủ, theo TS Nguyễn Ngọc Quỳnh - chuyên gia an sinh xã hội của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Bà lấy ví dụ một người đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất, không thể chờ từ năm 20 tuổi đến 60 tuổi để nhận trợ cấp. Bởi trong suốt thời gian đó họ sẽ có những biến cố như mất việc, ốm đau, con cái đi học... Nếu không được hỗ trợ về tài chính, họ phải rút ra để chi tiêu.
Việt Nam có thể tham khảo cách vận hành quỹ lương hưu của Australia. Người lao động không nhất thiết đóng vào quỹ BHXH của chính phủ mà có thể đóng cho các công ty tư nhân với những quy định chặt chẽ. Công ty đó không chỉ làm nhiệm vụ giữ lương hưu cho lao động mà còn đưa ra các kế hoạch, hỗ trợ tài chính cá nhân trong suốt quá trình họ tham gia; tính toán một khoản lợi tức từ khoản đóng góp vào quỹ hưu trí và trả hàng tháng hoặc hàng năm cho lao động.
Nữ tiến sĩ chỉ ra đó cũng là cách vận hành của hệ thống bảo hiểm đa tầng, tạo cho người lao động cảm giác an tâm và được thụ hưởng trong suốt quá trình đóng quỹ. Nhiều nước có chính sách khi bố mẹ tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội thì con cái trong độ tuổi đi học được trợ cấp hàng tháng.
Tại Việt Nam, chính sách trợ cấp chỉ áp dụng cho trẻ mồ côi, khuyết tật, không nơi nương tựa; nhóm còn lại hoàn toàn không có hỗ trợ và mọi chi phí đều do gia đình chi trả. Theo bà, chính sách BHXH và hỗ trợ trẻ em đang không liên kết gì với nhau, dù được điều hành bởi cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
"Nếu Chính phủ chưa thể trợ cấp cho tất cả trẻ em dưới 16 tuổi, có thể bắt đầu ở nhóm 3 tuổi trở xuống và chính sách này nên liên kết với Quỹ BHXH", bà Quỳnh nói.
Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng đã tính toán đề xuất với Chính phủ mở rộng chính sách hỗ trợ cho trẻ em. Theo bà, ngân sách hoàn toàn đáp ứng được, chỉ cần cân đối lại các khoản chi cho an sinh xã hội khác. Ví dụ, nếu vợ chồng là công nhân tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mỗi tháng con của họ được hỗ trợ 200.000 đồng. Điều này sẽ giúp người lao động thấy an tâm, xem chính sách bảo hiểm xã hội là điểm tựa.
Ngoài ra, bà Quỳnh nhìn nhận việc khởi động lại quy định như Điều 60, Luật BHXH sửa đổi trước đây, nhằm hạn chế rút một lần là cần thiết. Song để đạt được sự đồng thuận của xã hội, cơ quan bảo hiểm cần làm cho nhóm lao động trẻ hiểu rõ chính sách, nếu không dễ gặp phản ứng của công nhân như trước đây.
Bà Quỳnh cũng cho rằng mức đóng bảo hiểm xã hội của công nhân tương đối thấp, nên đến khi nhận lương hưu không được cao. Cơ quan chuyên môn cần tính lại mức đóng dựa trên thu nhập, đảm bảo mức hưởng sau này.
Lê Tuyết - Hồng Chiêu