Là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc với diện tích 4.400 km2, hồ Bà Dương còn được ví như "quả thận" bởi vai trò điều phối dòng nước sông Dương Tử ở tỉnh Giang Tây, đón nước lũ vào mùa hè ẩm ướt, sau đó rút đi vào mùa thu và mùa đông khô hanh. Năm nay, nắng nóng kỷ lục trên khắp lưu vực sông Dương Tử kéo dài hơn 70 ngày. Hồ nước thu nhỏ sớm hơn thông thường và hiện nay diện tích chỉ bằng 1/5 so với cách đây vài tháng, Reuters hôm 24/8 đưa tin.
Người dân địa phương chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng như vậy. "Năm ngoái vẫn có nước trong hồ. Năm nay tôi không biết chuyện gì xảy ra. Hồ nước quá khô cạn", Zhang Daxian, người kiếm sống trên hồ, chia sẻ.
Thông thường, khi hồ nước bước vào mùa khô, phần chân của hòn đảo Lạc Tinh Đôn hơn 1.000 năm tuổi vẫn nằm dưới mực nước. Tuy nhiên, năm nay đánh dấu thời gian sớm nhất trong 71 năm qua khi hòn đảo lộ ra hoàn toàn. Giờ đây, bao quanh đảo là đất cỏ thay vì nước.
Hôm 24/8, người dân có thể đi bộ trên đáy hồ nứt nẻ với nhiều xác trai và cá chết. Hồ nước thu nhỏ cũng ảnh hưởng tới hoạt động đường thủy và nguồn cung cấp nước uống của những cộng đồng dân cư gần đó. Nhà chức trách đã xả nước từ hồ chứa ở Tam Hiệp và Đan Giang Khẩu để giảm bớt tình trạng thiếu nước ở hạ nguồn. Du Lei, kỹ sư trung tâm cảm biến từ xa của Bộ Tài nguyên thiên nhiên, cho biết mực nước hồ vẫn tiếp tục hạ dần. Một số sông nhỏ cung cấp nước cho hồ đã khô cạn hoàn toàn.
Đối với hồ Bà Dương, hạn hán chỉ là một phần vấn đề. Nhu cầu cao đối với vật liệu xây dựng như thủy tinh và bê tông khiến hồ trở thành nguồn khai thác cát. Hoạt động này góp phần khiến mực nước hồ hạ thấp bất thường trong những thập kỷ gần đây. Hồ Bà Dương là khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, nơi ở của hơn 300 loài chim di cư bao gồm sếu Siberia cực kỳ nguy cấp.
An Khang (Theo Reuters)