Vấn đề hàng đầu và cũng là vấn đề phức tạp nhất trong chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore chính là phi hạt nhân hóa, theo AFP. Dù Bình Nhưỡng liên tục tạo hình ảnh tích cực trong những tháng gần đây, khoảng cách Mỹ - Triều cần xóa bỏ vẫn rất lớn.
"Theo tôi sẽ rất khó để Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân, cái đã nâng tầm vị thế cho ông ấy", cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Richard Armitage nói với các phóng viên ở Tokyo.
Washington yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID). Về phần mình, Bình Nhưỡng nhiều lần bày tỏ cam kết phi hạt nhân hóa nhưng với toàn bộ bán đảo (gồm cả Hàn Quốc) và cũng không đưa ra dấu hiệu công khai nhượng bộ nào.
Trong các cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Kim Jong-un kêu gọi Washington và Seoul loại bỏ các mối đe dọa an ninh chống lại Bình Nhưỡng và phi hạt nhân hóa "theo giai đoạn và đồng bộ". Bình luận này cho thấy rõ ràng Bình Nhưỡng sẽ tìm kiếm những nhượng bộ của riêng họ.
Trump gần đây đã làm giảm bớt những kỳ vọng, nói rằng hội nghị thượng đỉnh có thể chỉ là bước đầu tiên. "Tôi nghĩ đó không phải là một hội nghị của thỏa thuận. Nếu họ không phi hạt nhân hóa thì sẽ không có thỏa thuận nào", Trump nói.
Truyền thông phương Tây cho rằng Triều Tiên đã tập trung toàn bộ các nguồn lực cho chương trình hạt nhân và đạt được những tiến bộ vượt bậc dưới thời Kim Jong-un. Năm ngoái, Triều Tiên đã thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân mạnh nhất trong lịch sử, tương đương với một quả bom nguyên tử và phóng các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.
Quân đội Hàn Quốc cho rằng, ngoài kho vũ khí hạt nhân, Triều Tiên còn sở hữu khoảng 1500-5000 tấn vũ khí hóa học được phát triển từ những năm 1980.
Hiện chưa thể khẳng định Triều Tiên đã đạt được khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, nhắm mục tiêu chính xác hoặc công nghệ hồi quyển để đưa đầu đạn hạt nhân trở lại bầu khí quyển Trái Đất chưa, song Bình Nhưỡng nói đã làm chủ cả ba và Kim Jong-un tuyên bố việc phát triển "thanh gươm quý báu" (cách Triều Tiên nói về vũ khí hạt nhân) đã hoàn tất.
Seoul ước tính kho dự trữ plutonium của Triều Tiên vào khoảng hơn 50 kg, đủ để sản xuất ra 10 vũ khí, nói thêm rằng Bình Nhưỡng cũng có "một lượng đáng kể" uranium được làm giàu cấp độ cao.
"Đối với chính quyền Trump, bản chất các cuộc đàm phán quan trọng nhất vẫn là đầu đạn hạt nhân và tên lửa liên lục địa", Hong Min, nhà phân tích thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, nói với AFP.
Siegfried Hecker, một chuyên gia hạt nhân nổi tiếng người Mỹ, cho biết việc Triều Tiên thực hiện CVID ngay lập tức là "điều không tưởng" và "chẳng khác nào kịch bản đầu hàng của Triều Tiên". Theo ông, Triều Tiên sẽ đề xuất lộ trình 10 năm để loại bỏ chương trình vũ khí của mình.
Tại Hàn Quốc, có những suy đoán cho rằng Trump, người cam kết tại lễ nhậm chức sẽ đặt "nước Mỹ trước tiên", có thể chấp nhận Bình Nhưỡng từ bỏ tên lửa đạn đạo và đóng băng chương trình nguyên tử ở mức như hiện tại và công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân. Điều đó sẽ loại bỏ mối đe dọa chống lại Mỹ nhưng bỏ mặc các đồng minh châu Á của Washington là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Lãnh đạo đảng đối lập Hàn Quốc Tự do Hong Joon-pyo hôm 7/6 kêu gọi Trump không nên đồng ý với "bất cứ thỏa thuận nào" chỉ để đảm bảo an ninh cho Mỹ. Ông viện dẫn nỗi ám ảnh của Hiệp ước Munich 1938, trong đó Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đồng ý để Đức quốc xã chiếm giữ một phần Tiệp Khắc.
"Sẽ rất đáng tiếc nếu vận mệnh của Hàn Quốc được quyết định như kết quả của một cuộc chiến giành quyền bá chủ giữa Mỹ và Trung Quốc", ông nói với các phóng viên.
Nếu Bình Nhưỡng được công nhận là quốc gia hạt nhân, "sẽ chỉ còn một lựa chọn duy nhất cho Hàn Quốc và Nhật Bản. Đó là chúng tôi phải tự có vũ khí hạt nhân cho chính mình", Hong nói.
Huyền Lê