Trong khi chụp ảnh bề mặt sao Hỏa năm 2011, thiết bị HiRISE trên tàu bay quanh quỹ đạo Mars Reconnaissance phát hiện một đặc điểm khác thường. Trên Pavonis Mons, một núi lửa hình khiên lớn ở vùng Tharsis, camera bắt gặp một hố khổng lồ, dường như là lối vào hang động đồ sộ dưới lòng đất. Phân tích kỹ hơn cho thấy miệng hố có đường kính 35 m, hang động bên dưới sâu khoảng 20 m. Trước khi sụp đổ và trám bít, hang động nhiều khả năng sâu 90 m, theo IFL Science.
Nguyên nhân tạo ra hố này vẫn là một bí ẩn địa chất. Các hang động lớn cỡ này trên Trái Đất rất ít ỏi và thường tạo bởi nước hòa tan đá vôi (karst). Hố sụt phổ biến nhất ở địa hình karst, theo Cục khảo sát địa chất Mỹ. Đây là những khu vực mà những loại đá bên dưới mặt đất có thể bị hòa tan tự nhiên bởi nước ngầm chảy qua. Đá dễ hòa tan bao gồm tầng và vòm muối, thạch cao, đá vôi và loại đá chứa carbonate khác. Do đá bên dưới bị hòa tan, hang động dưới lòng đất thường năm bên dưới lớp đất bề mặt. Khi lớp đất bề mặt không đủ vững, nó sụp đổ vào hang động, tạo ra hố sụt.
Tuy nhiên, sao Hỏa không có dấu hiệu của đá carbonate nhưng đá vôi và hầu như không có nước. Một cách giải thích khả thi hơn là hố khổng lồ dẫn tới một ống dung nham. Đôi khi lớp trên cùng của dòng dung nham cứng lại trên mặt đất thậm chí khi dung nham tiếp tục di chuyển dưới lòng đất trong đường ống. Sau đó, các hang động ống dung nham có thể trống rỗng. Một số đoạn ở phần mái sụp xuống, tạo ra lỗ hở như ảnh chụp từ quỹ đạo, Shane Byrne, giáo sư ở Phòng thí nghiệm hành tinh và Mặt Trăng ở Đại học Arizona giải thích.
Theo Byrne, nếu đó đúng là lỗ hở dẫn vào ống dung nham, nó lớn hơn hẳn mọi ống dung nham trên Trái Đất. Ông cũng không loại trừ khả năng chỗ sụp đổ nằm trên hệ thống đường ống bên trong núi lửa.
Theo NASA, những hố kiểu này đặc biệt đáng quan tâm bởi hang động bên dưới được bảo vệ tương đối khỏi bề mặt khắc nghiệt của sao Hỏa, biến chúng thành nơi khá phù hợp để chứa đựng sự sống sao Hỏa. Do đó, chúng là mục tiêu chủ chốt của tàu vũ trụ, robot và phi hành gia thám hiểm trong tương lai.
An Khang (Theo IFL Science)