Với mong ước giúp cho trẻ con sinh trưởng ở nước ngoài biết và trải nghiệm mùi vị Tết Việt dù đang ở xứ người, hội chợ tết siêu nhỏ đã được ban tổ chức là một người cha, một người mẹ và hai chú bé mở ngay tại căn hộ của mình từ hai tuần trước Tết cho đến rằm tháng giêng xuân Nhâm Thìn.
Vé vào cửa là lòng yêu cội nguồn và ước muốn lưu giữ vẻ đẹp cao quý của người Việt trên thế hệ trẻ, hội chợ Tết đã phần nào đem đến niềm vui xuân ở một góc nhìn mới mà vẫn sống động ký ức tuổi thơ, đánh thức tâm hồn với tinh thần hướng thượng và chứa chan nhân ái với người.
Phòng khách nối với phòng ăn hình chữ L, gian bếp thông với phòng ăn bằng lối đi và thông với phòng khách qua một ô cửa hình chữ nhật cùng với phòng của hai chú bé là không gian của hội chợ Tết siêu nhỏ năm nay. Được biết là cả ban tổ chức lẫn du khách đều rất hài lòng với hội chợ Tết của mình vì ở đó có đầy đủ những gian hàng quan trọng của một hội chợ Tết.
Vườn kiểng: Mai đến kỳ mai đã trổ hoa!
Lấy ý tưởng từ lời mẹ kể về hoa mùa xuân cũng như chuyến đi chợ hoa ở Little SaiGon, hai nghệ nhân năm tuổi và ba tuổi đã thiết kế một không gian rực rỡ sắc vàng của mai và cúc bên cạnh sắc hồng của đào, sắc xanh của lá sơn tùng thay cho cỏ ngay tại phòng khách.
Mai kiểng trong "Hội chợ Tết". Ảnh: Phụng Hiền. |
Ấn tượng của vườn kiểng là cành mai vàng. Cành mai không chỉ sưởi ấm lòng du khách xa quê mà còn gợi lên suy nghĩ về thời gian - một điều khá quan trọng đối với mỗi người vì chúng ta vốn giới hạn trong một thời gian nào đó của vũ trụ.
Hãy nghe lời chia sẻ của nghệ nhân năm tuổi với bà nội mình qua skype:
- Bà nội ơi! Cành mai nhà con nở rồi! Bà nội thấy đẹp không? Con với em gắn hoa lên đó! Em chưa biết làm, nó gắn hoa tòn ten không hà, còn con thì biết rồi, con gắn hoa dính vô luôn!
Nhìn cành mai qua webcam, bà nội tấm tắc:
- Hai đứa làm khéo quá! Nhưng sao con không gắn hết hoa vô mà gắn có mấy cái vậy?
- Bà nội biết vì sao không? Vì chưa đến Tết nên nó mới nở có chừng đó thôi, mỗi ngày con sẽ gắn thêm vài bông, tới Tết là cành mai nhà con sẽ nở đầy luôn, rực rỡ luôn!
Ý niệm về thời gian của chú bé chạm vào kỷ niệm của tôi, một thành viên trong ban tổ chức. Những ngày còn ở Việt Nam, cũng khoảng thời gian ấy là tôi đã lặt lá mai. Khi vào cấp ba, nhà cô giáo chủ nhiệm có cây mai lớn lắm nên tôi với một người bạn thân thường đến phụ cô lặt lá mai. Cây mai nhà cô năm nào cũng vàng tươi khoe sắc trên đường về Cửa Đại.
Có năm tôi đi học xa không về, gọi về nhà nghe cô giáo ở nhà đã lặt lá mai, lòng chạnh buồn gởi cô lời tâm sự: "Thế là em không về lặt lá, Mai đến kỳ mai đã trổ hoa". Lúc đó mới biết, không có mình mùa xuân vẫn về. Nhưng nếu có mình chắc má sẽ đỡ mỏi ngóng trông, ba sẽ tự hào dẫn con đi khoe với xóm giềng về những điều ba hằng hy vọng, gia đình sẽ rộn hơn một chút, cuộc họp lớp sẽ xôm tụ hơn, nhà thờ sẽ có một thêm một người hát mừng xuân với nét mặt tươi vui, đám nhóc trong xóm sẽ có người dẫn đi hội chợ để ăn kem và chơi những trò mình thích, nhiều ai đó sẽ có chỗ để gởi lời tâm sự…
Vườn kiểng nhỏ bé nhưng ít nhiều đánh thức chúng tôi - những người lớn đã từng thưởng ngoạn nhiều hội hoa xuân. Vì vậy, trước khi rời vườn kiểng, ban tổ chức hy vọng du khách sẽ nhớ thông điệp thời gian mà chủ nhân vườn kiểng gởi đến. Đó cũng là điều vượt khỏi suy nghĩ của ban tổ chức khi bày ra gian hàng này. Vì biết mình không có hoa mai thật cho con nên chúng tôi định qua trò chơi gắn hoa mai này kể cho con nghe về chuyện người Việt dạy nhau cách canh làm sao cho mai nở đúng ngày mồng một.
Chúng tôi muốn nhắn nhủ với con rằng cái gì cũng có thời điểm; không phải đòi hay xin cái gì thì cũng phải có ngay, muốn là có liền mà phải đúng lúc. Thật vui vì ban tổ chức học thêm được khái niệm thời gian đi qua cành khô, hoa giả mà nghệ nhân tí hon đã thổi sự sáng tạo vào. Cành hoa này cũng được đem đến lớp của nghệ nhân để giới thiệu cho cô giáo và các bạn về hoa xuân của quê hương Việt Nam.
Gian hàng trò chơi: Chơi sao cho đẹp!
Gian hàng trò chơi đa số tập trung vào một khu nhất định là phòng của hai chú bé. Dù vậy, đôi khi trò chơi cũng được bày ngay ở vườn kiểng hay gian hàng ẩm thực.
|
Từ quan sát khi đi các hội chợ của cộng đồng người Việt, hai chú bé cũng bày ra nhiều trò chơi cho riêng mình. Hết lấy các chai nước đã uống xong ra xếp thành hàng để ném banh cho chai ngã hay lấy hết rổ trong bếp ra rồi thi nhau ném banh vào rổ, hai chú bé lại lấy ghế xếp thành đoàn tàu chở khách về quê ăn tết; hết thi nhau ai đứng một chân giữ thăng bằng được lâu, chúng lại chuyển sang chơi trồng chuối, hít đất, rồng rắn lên mây; hết dán những sticker vô cái bảng làm bia để ném banh cho trúng chúng lại quay sang xin hai bao đựng gạo để thi nhảy bao bố...
Có hôm ban tổ chức cũng giật mình vì một vài trò chơi dân gian đã được hai chú bé cách tân; như trò bắn cung, thay vì bắn vào bia thì chúng lại lấy lego xếp thành những thế trận như trò chơi angry bird rồi thi nhau bắn cho trúng đích.
Mục đích của trò chơi là để con vui Tết, được giải phóng năng lượng và cũng nhằm kéo chúng ra khỏi những game mà trẻ con bây giờ rất rành và rất mê trên điện thoại, máy tính. Gian hàng trò chơi là gian rộn ràng nhất vì chơi cũng có lúc thắng thua, có vui mà cũng có buồn.
Luật chơi là phải chơi sao cho đẹp, cho có tiếng cười, phải biết chia sẻ, không giành và biết nhường nhưng ban tổ chức cũng không khỏi căng thẳng vì phân xử, đau đầu vì kiện cáo. Vượt lên tất cả, niềm vui và sự sáng tạo từ gian hàng này đã giúp hai chú bé chơi hết mình, chơi cho thật vui, thật đã.
Chơi tết mà khám phá ra rằng phải chơi thật khéo mới thành công nhưng không được giành giựt hay chơi để tranh đua, chơi để gần nhau và biết giúp đỡ nhau thì người tổ chức đã thành công rồi. Cho nên, hễ nghe con rủ nhau: "Mình hội chợ đi!" là chúng tôi sung sướng.
Nhìn hai chú bé chơi, tôi nhớ lại lúc nhỏ mình cũng từng vui thích và muốn được thử hết các trò của hội chợ Tết và lớn lên cũng từng vui buồn với bao trò chơi của người lớn. Lúc phân xử, bảo các con phải ngừng để xác định lại luật chơi cũng là lúc tự nhắc mình "người lớn mình cũng có lúc phải tập dừng để ôn lại luật chơi để có thể tiếp tục chơi cho đẹp với nhau trong cuộc sống".
Gian hàng ẩm thực: Con nghe mùi Tết rồi!
Được sự giúp đỡ và chia xẻ của nhiều người thân quen, gian hàng ẩm thực mở cửa thường xuyên mỗi ngày với đủ món ăn đặc biệt của Tết Việt để đáp ứng nhu cầu ăn cho biết chứ không ăn no, ăn chơi chứ không ăn thiệt của hai thực khách nhỏ.
Đến với gian hàng này, thực khách không chỉ là người kêu món mà còn được trực tiếp trở thành đầu bếp hoặc phụ bếp. Thắc mắc vì sao Tết lại ăn đủ loại mức, vì sao bánh tét tròn, bánh chưng vuông, hay ngạc nhiên vì sao có chỗ người ta bày bán bánh chưng gói trong giấy bạc là cơ hội để chúng tôi giải thích cho con về các phong tục cổ truyền, về khoảng cách giữa tết ở quê thực sự và tết ở xứ người.
Được bày bánh mứt hay nhặt rau, tét bánh hay lấy kéo cắt sợi bì, lấy ruột khổ qua hay đánh trứng làm bánh… các thực khách nhỏ tuổi càng tỏ ra sành hơn về công thức cũng như cách chuẩn bị những món ăn ngày tết. Và như thế, hễ đi học về tới cửa, thoáng nghe mùi thơm từ trong bếp, chú bé đã đoán ngay món đó là gì.
Hôm đi chợ hoa Phước Lộc Thọ, chẳng biết mùi thơm từ trong tâm trí, trong tâm hồn hay mùi thơm thật của khu Tết Việt mà mới đi một chút thì hai chú bé vốn chưa từng quen hương vị Tết tại quê hương, chưa từng biết "về quê ăn tết" đã nói: "Con nghe mùi Tết rồi!"
Tết sẽ không vui nếu không ăn Tết; vì ăn đâu chỉ thỏa mãn nhu cầu của cái bụng. Ăn là dịp để chuyện trò, để cho cái vị, cái hồn của quê hương đi vào mình; ăn để cái tình yêu của bà của mẹ chăm chút trong từng món ăn lẫn cái hương của nắng, gió, sương trong trời đất với công ơn của bao người lặng lẽ tạo ra những vật thực ta có mỗi ngày ngấm vào mình.
Giúp con có niềm vui trong giờ cơm gia đình quây quần bên nhau, kể cho con nghe những món ăn đã thành nỗi nhớ, thành một phần kỷ niệm không thể thiếu được của mình cũng như dạy cho con biết cảm ơn trời và trân quý công ơn của bao người qua những món ăn với chân lý sống "đủ ăn đủ mặc là thỏa lòng" là mục đích của gian hàng ẩm thực.
"Con nghe mùi Tết rồi!" Hình như tôi cũng thế! Mùi Tết của ký ức lẫn hiện tại, mùi Tết của cả tương lai khi biết rằng con sẽ mang theo khi chúng lớn lên như mình đã mang mùi Tết của quê hương đến nơi này. Ai đã từng xa quê hẳn sẽ hiểu thấu nỗi nhớ quê hương quay quắt cồn cào, có khi ăn một món quê hương mà lại liên tưởng đến cả một vùng kỷ niệm.
Mở cửa lan can cho nắng xuân tràn vào không gian hội chợ Tết siêu nhỏ, chúng tôi thỏa vui nhận ra rằng khi hết lòng dạy con về tình yêu quê hương, chính mình cũng được nhắc nhớ đến nguồn cội sâu xa của mỗi con người.
Giữ cho con Tết quê hương không phải là giữ một hình thức, một thói quen mà mà là giữ cho con cái hồn Tết Việt, giữ cái thiêng liêng của xứ sở, cái hồn quê mà mình đã được nuôi lớn nên người. Giữ cho con Tết quê hương trên xứ người, chúng tôi lại nhắc mình sống hài hòa trong mối quan hệ với Trời, với người cũng như với chính mình để năm mới luôn chứa chan hạnh phúc và mình lại tiếp tục đem hạnh phúc đến cho nhiều người.
Phụng Hiền