Sau hơn một năm sống dưới các biện pháp đóng cửa biên giới và phong tỏa chặt chẽ, người dân toàn cầu đang bắt đầu mơ về những chuyến du lịch quốc tế. Các chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 được coi là tấm vé đến tự do, giúp mở cửa biên giới và vượt qua giai đoạn cách ly trong khách sạn sau khi nhập cảnh.
Freddy Chua, chuyên gia tài chính Singapore sống tại Hong Kong, hồi tháng 2 cho biết triển vọng được trở về quê nhà thúc đẩy anh tiêm vaccine Covid-19 ngay trong ngày bắt đầu chiến dịch tiêm chủng tại đặc khu này. "Vợ chồng tôi hy vọng sẽ không phải cách ly 14-21 ngày khi về Singapore", Chua nói.
Tuy nhiên, điều này vẫn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ như "hộ chiếu vaccine", tài liệu xác thực tình trạng tiêm chủng của từng người và giúp họ không phải thực thi những biện pháp đề phòng ngặt nghèo.
Giới lập pháp và y tế ở nhiều nước từng đề xuất áp dụng hộ chiếu vaccine, cho rằng quyền tự do đi lại khi sở hữu chúng sẽ khuyến khích người dân tiêm vaccine Covid-19. Dù vậy, vẫn còn không ít thách thức trong triển khai như nó sẽ là hộ chiếu giấy hay điện tử, có được công nhận ở các nước khác nhau và có gây lo ngại về quyền riêng tư hay không.
Chính phủ nhiều nước châu Âu đang đàm phán chi tiết về thỏa thuận triển khai hộ chiếu vaccine điện tử, nhưng đã gặp nhiều trở ngại như bảo đảm bí mật dữ liệu và vấn đề đạo đức khi hạn chế đi lại với những người không đủ điều kiện tiêm vaccine.
Tại Mỹ, các hãng hàng không và doanh nghiệp đang hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden đi đầu trong phát triển hệ thống hộ chiếu vaccine. Ông chủ Nhà Trắng hồi tháng 1 ký sắc lệnh yêu cầu một ủy ban chính phủ nghiên cứu phương án hoạt động của hộ chiếu vaccine, nhưng chưa có kết quả nào được công bố.
Trong khi đó, hệ thống hộ chiếu vaccine đã bắt đầu thành hình ở Trung Quốc dưới dạng ứng dụng miễn phí mang tên "chứng nhận sức khỏe đi lại quốc tế", được ra mắt trên điện thoại hồi đầu tuần.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề cập tới ứng dụng này trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 7/3. Chỉ vài giờ sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát hành hướng dẫn tải về chương trình được phát triển trên nền tảng ứng dụng nhắn tin WeChat. Nó được phát triển hoàn toàn độc lập, không có sự đóng góp từ bất kỳ quốc gia hay tổ chức quốc tế nào.
Hộ chiếu vaccine của Trung Quốc chưa có hiệu lực quốc tế, người sở hữu chúng vẫn phải tuân thủ những biện pháp hạn chế khi nhập cảnh vào nước khác. Những lo ngại về bảo vệ dữ liệu riêng tư và hiệu quả phòng chống Covid-19 của vaccine Trung Quốc có thể ngăn cản loại hộ chiếu này phát huy tác dụng trong tương lai.
Chứng nhận sức khỏe đi lại quốc tế của Trung Quốc là mã QR hiển thị qua ứng dụng con của WeChat. Khi quét, nó sẽ kết nối đến hồ sơ tiêm vaccine và lịch sử xét nghiệm nCoV của người dùng, được đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Ứng dụng này tương đồng với hệ thống truy vết được giới chức Trung Quốc áp dụng năm ngoái để giám sát nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cư dân.
Nhiều chương trình truy vết tại các nước khác từng bị hủy bỏ ngay từ giai đoạn phát triển, hoặc thất bại hoàn toàn trong quá trình triển khai. Báo cáo được quốc hội Anh công bố hôm 10/3 thừa nhận dự án truy vết quốc gia "không mang lại ảnh hưởng rõ ràng" trong hạn chế lây nhiễm virus, dù được cấp ngân sách tới 51 tỷ USD trong vòng hai năm.
Hệ thống truy vết của Trung Quốc ghi nhận thành công vì nó được áp dụng bắt buộc với những người muốn đến nhà hàng hoặc vào thăm các khu chung cư. Hai nền tảng triển khai mã QR là WeChat và Alipay đều rất phổ biến tại Trung Quốc, khiến quá trình triển khai gần như không gặp trở ngại nào.
Tuy nhiên, ứng dụng truy vết của Trung Quốc chỉ được thiết kế để hoạt động nội địa và không cần xác minh từ bên ngoài. Trong khi đó, hộ chiếu vaccine sẽ trở thành vô dụng nếu các nước không chấp nhận chúng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "nhiều nước và tổ chức quốc tế đã tỏ ý sẵn sàng công nhận hộ chiếu vaccine Trung Quốc", nhưng đến nay chưa có quốc gia nào công khai lên tiếng ủng hộ hệ thống này.
Trở ngại dường như không nằm ở hệ thống hộ chiếu, mà liên quan đến ngờ vực về hiệu quả của vaccine Covid-19 của Trung Quốc. "Sự thiếu minh bạch trong phát triển vaccine có thể khiến các nước lo ngại khả năng bảo đảm miễn dịch của những người tiêm vaccine Trung Quốc", Yanzhong Huang, chuyên gia y tế thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Bắc Kinh đến nay đã phê duyệt 5 loại vaccine để sử dụng trong nước, hai trong số đó là của tập đoàn nhà nước Sinopharm. Chưa có nhà sản xuất nào công bố dữ liệu thử nghiệm trên các tạp chí y khoa quốc tế, khiến lãnh đạo hàng loạt quốc gia chỉ trích.
Hộ chiếu vaccine cũng đòi hỏi các quốc gia công nhận hiệu quả của vaccine do nước khác phát triển, ngay cả khi nước sở tại chưa phê chuẩn loại vaccine này.
Ben Cowling, chuyên gia dịch bệnh tại Đại học Hong Kong, cho rằng sẽ rất khó để các nước thống nhất về khả năng miễn dịch do sự khác biệt trong hiệu quả của những loại vaccine đang lưu hành hiện nay. Điển hình là vaccine Pfizer được phân phối ở Mỹ và hơn 70 nước có hiệu quả khoảng 95%, trong khi con số này chỉ là hơn 50% với Sinovac của Trung Quốc.
"Hiệu quả khác biệt là cản trở riêng với hộ chiếu vaccine, vì ý tưởng xoay quanh nó là ngăn những người nhiễm virus nhập cảnh, ngay cả khi họ chỉ có triệu chứng nhẹ. Quy mô lây nhiễm ở địa điểm xuất phát cũng là một yếu tố cần xem xét", Cowling nói.
Trung Quốc dự kiến đàm phán công nhận hộ chiếu vaccine với từng quốc gia trong số 40 nước đã thỏa thuận mua vaccine của họ. Dù vậy, vẫn có những giới hạn về quy mô của chương trình hộ chiếu vaccine nếu chỉ dựa vào các thỏa thuận song phương.
"Chúng cần được điều phối ở cấp độ quốc tế thông qua những cơ chế đa phương", Huang nhận xét, thêm rằng đàm phán song phương thường tốn nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, những cuộc thảo luận đa phương dường như cũng không dễ dàng hơn và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng rất miễn cưỡng với ý tưởng xây dựng hệ thống hộ chiếu vaccine.
"Tôi nghĩ có nhiều điều cần xem xét về mặt đạo đức và thực tiễn trước khi các nước có thể triển khai hộ chiếu vaccine", giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói trong một cuộc họp báo hôm 7/3, khẳng định WHO sẽ không đề xuất hộ chiếu vaccine cho đến khi vaccine Covid-19 được phân bổ rộng khắp và công bằng.
Một báo cáo hồi tháng 1 của tổ chức Economist Intelligence Unit ước tính 85 nước nghèo nhất thế giới sẽ không thể tiêm chủng vaccine Covid-19 trên diện rộng trước năm 2023.
Trung Quốc không phải nước duy nhất theo đuổi hộ chiếu vaccine độc lập. Hãng hàng không Singapore Airlines tuần trước thông báo sẽ xác thực hồ sơ tiêm vaccine thông qua ứng dụng Thẻ đi lại của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), trong đó xác nhận tình trạng sức khỏe và tiêm chủng của người sử dụng để khuyến khích di chuyển quốc tế.
JoAnn Tan, phó chủ tịch Singapore Airlines, cho biết cơ chế này sẽ được áp dụng cho phi công trên những chuyến bay giữa Singapore với London từ ngày 13-28/3 và có thể giúp xây dựng tiêu chuẩn về chứng nhận sức khỏe điện tử cho ngành công nghiệp hàng không.
"Nếu thành công với giới phi công, chúng tôi sẽ nghiên cứu phương án cho phép khách hàng lưu trữ chứng nhận tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19 trên ứng dụng điện thoại SingaporeAir", phát ngôn viên Singapore Airlines cho hay.
Albert Tjoeng, địa diện IATA, tổ chức có hơn 290 hãng hàng không thành viên, hối thúc WHO xây dựng bộ quy chuẩn quốc tế nhằm xác thực hồ sơ tiêm vaccine trên Thẻ đi lại của IATA, nhấn mạnh hệ thống này chỉ là công cụ giúp chính phủ các nước xác định lịch sử tiêm chủng của người sở hữu.
"IATA không thúc đẩy hộ chiếu vaccine và Thẻ đi lại cũng không phải hộ chiếu vaccine. Chúng tôi cho rằng tiêm chủng không nên trở thành yếu tố bắt buộc với những hành khách đi bằng đường hàng không", ông nói.
Chuyên gia Cowling hy vọng tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ phổ biến đến mức thế giới đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng và người dân toàn cầu "không phải lo về hộ chiếu vaccine", thêm rằng hộ chiếu vaccine chỉ là biện pháp ngắn hạn.
Nhiều nước có thể vẫn sẽ tiếp tục thử nghiệm mô hình hộ chiếu vaccine, vì thành công của nó sẽ thúc đẩy ngành du lịch và dịch vụ, vốn chịu ảnh hưởng nặng nhất vì Covid-19. IATA ước tính suy giảm đi lại hàng không trong đại dịch đã khiến GDP toàn cầu thiệt hại đến 1.800 tỷ USD.
"Nếu các chính phủ muốn mở cửa biên giới và tái khởi động ngành hàng không mà không cần cách ly, họ sẽ phải tự tin với khả năng hạn chế nguy cơ Covid-19 nhập khẩu và xác thực được tình trạng của người nhập cảnh thông qua xét nghiệm hoặc tiêm chủng. Vaccine sẽ có vai trò không nhỏ trong phục hồi đi lại quốc tế", Tjoeng nói.
Vũ Anh (Theo Fortune)