Cả nước hiện có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, góp hơn 24% vào GDP và được đánh giá là "xương sống" trong nhiều ngành, lĩnh vực, từ công-nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ.
Theo thông tin từ Cục Thuế (Bộ Tài chính), số thu từ hộ, cá nhân kinh doanh năm ngoái đạt 25.953 tỷ đồng, bằng 120% so với năm 2023. Tuy nhiên, theo lãnh đạo cơ quan thuế, kết quả này vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra.
Hiện 3 loại thuế, phí các hộ, cá nhân kinh doanh phải đóng gồm lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân. Ngoài ra, hộ kinh doanh còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, tài nguyên... nếu kinh doanh hàng hóa thuộc diện chịu thuế của các luật này.
Thực tế, Chính phủ nhiều lần yêu cầu ngành thuế có giải pháp để quản lý với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ. Việc này nhằm hạn chế "lách luật" để trốn thuế, gây thất thu ngân sách.
Tại hội nghị về quản lý thuế cuối tuần qua, Phó cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho biết ngành thuế tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData) trong quản lý với hộ, cá nhân kinh doanh. Nhà điều hành cũng phát triển các ứng dụng, đặc biệt là eTax Mobile, để hỗ trợ việc quản lý thuế.
Đồng thời, ngành thuế sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan cấp giấy phép kinh doanh để xử lý hộ, cá nhân không đăng ký theo quy định và đưa trường hợp được cấp phép kinh doanh vào diện quản lý thuế. Phó Cục trưởng Mai Sơn đề nghị cơ quan thuế các cấp hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn quản lý trong tháng 4.
Phương Dung