Qua hai vòng đấu bảng ở Asian Cup 2023 đã cho thấy được sức nóng của bóng đá Châu Á. Sự tiến bộ vượt bậc từ các đội trước đây được cho là "dự cho vui" thì nay cũng phả hơi nóng tới các ông lớn Top 5. Những Iraq, Jordan, Tajikistan, Indonesia...
Ân tượng là trận đấu làm khó Qatar của Tajikistan và thật đáng chú ý với sự tiến bộ nhanh của Iraq dưới thời HLV Jesus Casas kể từ sau khi đối đầu với đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2026.
Nhìn lại đội tuyển Việt Nam, chắc cũng không phải nhận xét hay nói gì thêm vì năng lực, thực lực đã quá rõ tại sân chơi Asian Cup này. Chúng ta không nên nói quá nhiều về cầu thủ (các cựu cầu thủ, cầu thủ trẻ) ở đội tuyển, mà cần xem lại cách chúng ta muốn vươn lên và tiến xa sau giai đoạn chuyển giao huấn luyện viên (HLV).
Cuộc chơi lớn nhưng chuẩn bị nhỏ - chưa sẵn sàng - chưa cụ thể hóa các việc nhưng vội vàng thay đổi, theo dõi các hoạt động ở đội tuyển cũng nhận ra rằng:
Thứ nhất, thay đổi lối chơi nóng vội, không nhịp nhàng các cầu thủ không thể thích nghi.
Thứ hai, ban huấn luyện chưa thực sự đủ sức cho công việc thay đổi.
Thứ ba, việc nắm bắt cập nhật định kỳ sức khỏe thể lực cầu thủ còn hời hợt.
Thứ tư, chuyên gia "săn lùng" cầu thủ ở V.League chưa hiệu quả.
Thứ năm, sự gắn kết giữa ban huấn luyện với các HLV từ CLB nhằm tư vấn cầu thủ cho tuyển cũng lỏng lẻo.
Và một lần nữa phải khẳng định rằng HLV Troussier không phù hợp với bóng đá Việt Nam. Sự làm việc "nửa vời" của HLV Troussier cho thấy ông chưa chuẩn bị cụ thể và lúng túng khi gặp áp lực từ dư luận.
Là người toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm, HLV Troussier có quyền thành lập một đội tuyển quốc gia mới 100% theo ý mình mà không cần quan tâm các cựu cầu thủ được cho là mất phong độ hay không phù hợp triết lý của ông.
Chính vì vậy, một đội tuyển không mang tính kế thừa cũng như sự mới mẻ cũng không, chỉ có vừa là các cựu binh vừa các tân binh trẻ, chưa ăn khớp với nhau chưa thật sự hiểu nhau.
Rồi vào giải đấu mang các cựu binh theo đội tuyển mà không dùng cũng làm cho bầu không khí đội tuyển kiểu như "bằng mặt chứ không bằng lòng", vì vậy tinh thần màu cờ sắc áo mạnh mẽ vốn có trước đây bị suy yếu đi dẫn đến tâm lý không vững trong thi đấu.
Sai lầm lớn nhất với HLV Troussier là sau thời gian dài huấn luyện, bộ khung sườn cho ĐTVN vẫn không có, tin dùng các cầu thủ từng làm việc (đào tạo) với ông đã cho thấy không đủ sức không hiệu quả.
Quay lại gốc độ chuyên môn, về sơ đồ chiến thuật không khác thời HLV tiền nhiệm Park Hang - seo. HLV Troussier cũng sử dụng sơ đồ 3-4-3 (mỗi HLV biến hóa khác nhau), điểm khác là ông chơi kiểm soát bóng, lấy kiểm soát bù thủ và có phần chủ động hơn so với ông Park là thủ lo thủ tấn công lo tấn công. HLV Troussier đặt công việc lên toàn đội hình, khai thác hết đội hình, đòi hỏi từng cầu thủ vận động liên tục với cường độ cao.
HLV Park đặt trách nhiệm thủ lên ba trung vệ lớn hơn, các tiền vệ hậu vệ cánh chịu trách nhiệm phát động tấn công và hỗ trợ phòng thủ số đông, các tiền đạo có trách nhiệm ghi bàn, thi thoảng các trung vệ lên tham gia các pha bóng bổng. So với bóng đá hiện đại thì lối chơi của HLV Park có thể gọi là "thiệt thòi" vì không phát huy được hết tối ưu đội hình kể cả thủ môn.
Tuy nhiên bù lại giảm hao mòn thể lực, phù hợp với thể hình thấp nhỏ và kỹ thuật khéo léo giúp giảm áp lực pressing. HLV Troussier với triết lý chơi kiểm soát bóng của ông áp dụng cho ĐTVN thì gần như hụt hơi, không có mảng miến tấn công rõ nét, mang hơi hướng giữ bóng trong chân càng lâu càng tốt. Hơn nữa hiện tại chúng ta không có được nhiều cầu thủ đủ sức cho lối chơi này.
Phần lớn triển khai bóng từ các trung vệ khi gặp những đối thủ nhanh nhẹn, tốc độ nhanh pressing tầm cao sẽ gặp khó khăn ngay tại phần sân nhà và nguy hiểm. Dù biết lối chơi kiểm soát bóng là hiện đại có nhiều ưu điểm nhưng không phù hợp với thể trạng người Việt chúng ta tại thời điểm hiện nay.
Nhìn ra xa hơn cả Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc gần như trung thành với lối chơi này và cũng gặp không ít khó khăn với các đội bóng thể hình to cao, tốc độ nhanh pressing tầm cao. Như vậy để thay đổi lối chơi kiểm soát bóng cho ĐTVN, thì cần phải làm từng bước nhịp nhàng, không nên nóng vội.
Làm song song với đào tạo tuyển chọn có mục tiêu các cầu thủ thể hình tốt, chỉnh đốn từ V.League theo đường hướng thay đổi. Một guồng máy trơn tru thay đổi sẽ trơn tru, không nên làm theo cách "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".
Ở V.League, phần lớn các cầu thủ không chơi kiểm soát bóng, nhưng lên đội tuyển lại phải chơi theo lối chơi này, như thế thì khó mà huấn luyện thuần thục trong thời gian ngắn. Khi ra trận luôn luôn bị lúng túng với các đối thủ chơi dồn dập dẫn đến rối bời, áp lực và mắc sai lầm không thể tránh khỏi.
Bóng đá Việt Nam muốn thay đổi lối chơi để tiến lên, tiến xa thì ngay lúc này cần phải tìm một HLV phù hợp, ông Trousier rõ ràng không hợp với bóng đá Việt Nam mặc dù có thời gian làm việc khá dài. Hơn nữa tuổi tác cũng là vấn đề khó khăn cho khối lượng công việc (cả 2 đội), những HLV cao tuổi cần phải có trợ lý thân cận trình độ cao, am hiểu và có sức bền liên tục theo các buổi tập.
Bóng đá chúng ta cần tìm một HLV trẻ hơn cũng là lối chơi kiểm soát bóng, nhưng đặc biệt hơn ở chỗ biết lấy lối chơi đã định hình của ĐTVN trong thời gian qua và phát triển lên các tố chất: thủ chắc, cầm bóng chắc, tấn công nhanh hiệu quả. Khi công thủ toàn diện thì bắt đầu biến hóa dần sang lối chơi kiểm soát rất dễ dàng.
Cuối cùng mấu chốt là kiểm soát bóng cũng phải biết người biết ta, không nên cứng nhắc như những gì HLV Troussier tuyên bố và rồi kết quả là sự thất vọng, thậm chí ĐTVN sẽ rơi ra khỏi nhóm 100 mà bao lâu nay dày công có được, chưa bàn đến việc ảnh hưởng "tâm lý chiến" với các đội trong khu vực như những năm 2000.
Tôi mạnh dạn đề xuất VFF nên thương thảo chuyển ông Troussier qua làm đào tạo và cân nhắc thay thế từ các HLV tại V.League như: Chu Đình Nghiêm, Lê Huỳnh Đức, Popov, Kiatisak, trước khi tìm được HLV phù hợp.
Nếu có những luồng ý kiến cho rằng các HLV này cũng sẽ thất bại thì tôi nghĩ rằng sự thất bại này cũng không đáng kể hơn là HLV Troussier còn nắm hai đội tuyển, thất bại cả về chuyên môn và thời gian. Đây là phương án vừa duy trì được phong độ ĐTVN có được trong thời gian qua vừa chờ thế hệ đào tạo mới nhằm phát triển đúng mục tiêu mong muốn.
Lộc Trần
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.