"Ông Miura thắng Kyrgyzstan 1-0 ở ASIAD 2014. Ông Park dùng lối chơi tử thủ cũng từng thắng áp đảo Kyrgyzstan 3-0. Đến lượt ông phù-thủy-tấn-công-hiện-đại thì hòa 0-0, thua luân lưu ở Doha Cup, xếp chót 10/10.
Hôm nay đội tuyển lại thua Kyrgyzstan 1-2 ở trận đấu tập kín. Trong khi đó, Kyrgyzstan thua Malaysia 3-4 và Philippines 0-1. Phải cầm bóng tấn công (thực ra chỉ chuyền qua chuyền lại) để tiến bộ, vươn tầm nhưng càng được thầy phù thủy truyền dạy, kết quả ngày càng đi xuống.
Những gì đọng lại suốt một năm qua chỉ là một lối chơi nhạt nhẽo, những lời bào chữa. Chúng ta hy vọng và trông mong vào điều gì?".
Độc giả nickname nhtt0123 tỏ ra bi quan sau trận thua Kyrgyzstan 1-2 ở trận đấu tập kín chiều 9/1, cũng là cuộc tổng duyệt cuối cùng trước Asian Cup 2023.
Việt Nam xếp thứ 94 trên bảng FIFA, hơn Kyrgyzstan bốn bậc. Tuy nhiên, đối thủ có thể chất tốt, thi đấu mạnh mẽ tương đồng Uzbekistan hay Nga. Trước khi gặp Việt Nam, Kyrgyzstan đã đá ba trận, lần lượt thua Uzbekistan 1-4, UAE 0-1 và hòa Syria 1-1, nên có tính ổn định và phối hợp tốt hơn Việt Nam.
Bạn đọc nickname Thích Bóng Đá bình luận: "Có một vấn đề tôi thấy rất lạ ở 'triều đại' của HLV Troussier, thông thường sau khi chọn được bộ khung chính thì cần có một vài trận để bộ khung ấy phối hợp với nhau cho trơn tru trước khi vào trận đấu chính thức.
Nhưng ông Troussier thì trận giao hữu nào cũng tung rất nhiều cầu thủ để kiểm tra, đến trận giao hữu cuối cùng vẫn kiểm tra thì không hiểu kiểm tra cái gì nữa, khi nào mới có bộ khung chính và bộ khung ấy mới luyện tập với nhau vào lúc nào?
Không chỉ giải này mà đợt tập huấn tháng, cả ba trận giao hữu đều để thử nghiệm, không trận nào để tổng duyệt đội hình chính. Kết quả là tháng 11 tung ra một đội hình không giống đội hình nào trước đó, có nhiều cầu thủ chưa từng đá chính cùng nhau, thế thì đá kiểu gì.
Hơn nữa đội tuyển đang xây dựng lối chơi mới, mà các cầu thủ không đá cùng nhau nhiều thì càng khó hơn. Thật sự khó hiểu".
Trong khi đó, một số độc giả cho rằng HLV Troussier không có bột chất lượng, nên khó gột nên hồ tốt.
Độc giả nickname quoctuan14081983 nói: "Nhiều người sẽ mượn cớ đội tuyển thua để vào chê bai này nọ, nhưng họ đâu hiểu lứa Thường Châu xưa hiện người thì đã mất phong độ, người thì chấn thương dai dẳng.
Trong khi lứa trẻ thì yếu kém từ thể lực, thể hình đến kỹ thuật, mà điều này đều do công tác tuyển chọn và đào tạo. Làm sao đổ hết cho HLV mới được? Xin nói thêm tầm này có mời HLV có tiếng thế giới về thì cũng không ai vực dậy ngay đội tuyển của chúng ta được.
Các cụ có câu 'Có bột mới gột nên hồ', trình độ chưa cao thì làm sao dám ảo tưởng, sao phải buồn? Điều quan trọng là có sao dùng vậy, người hâm mộ cũng nên cổ vũ đội tuyển thay vì chê trách, thành công nào mà không kèm theo thất bại?
Các bạn cứ chê cầu thủ mới, khen lứa cũ trong khi họ bây giờ chỉ còn là cái bóng. Thời HLV Park dùng mãi một đội hình cày ải, không tạo cơ hội cho lớp trẻ cọ xát thi đấu để có kinh nghiệm... thì sau này lấy ai thay thế, lấy đâu lớp kế cận?"
Đồng quan điểm, độc giả nickname VNA: "Rất nhiều người đưa ra phê phán nhưng thực chất không hiểu trình độ cầu thủ Việt Nam đang ở đâu và như thế nào. HLV không phải là người luôn mang lại 100% sức mạnh của đội tuyển".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.