Đánh giá về "Nghệ thuật phá lối chơi của Park Hang-seo", nhiều độc giả VnExpress cho rằng lối đá mà HLV người Hàn Quốc đang áp dụng cho đội tuyển Việt Nam là hoàn toàn phù hợp:
HLV Park đã áp dụng một đấu pháp phù hợp giúp đội tuyển khỏa lấp điểm yếu về thể hình và thể lực và phát huy được điểm mạnh về kỹ thuật và tốc độ. Tư duy chơi bóng vẫn còn yếu nhưng có thể cải thiện nếu BHL có phương pháp truyền đạt tốt và cầu thủ có thời gian làm quen, cũng như thái độ cầu tiến học hỏi. Đội tuyển Việt Nam hiện tại rất khác biệt và có trình độ cao hơn hẳn so với mặt bằng V-League, vậy nên cũng là lẽ bình thường khi chúng ta rất ít thấy các nhân tố mới xuất hiện, Nếu có cũng chỉ sau nhiều lần tập trung cùng đội, hoặc đến từ lứa U22 Việt Nam.
Người hâm mộ nên xem và cổ vũ hết mình, đừng chỉ trích thầy Park là người cố chấp và bảo thủ khi thấy cầu thủ A đang tỏa sáng ở V-League nhưng không có tên trên tuyển, còn cầu thủ B "mài đũng quần" trên ghế dự bị đâu đó nhưng nghiễm nhiên có một suất? Đơn giản là vì tiêu chí lựa chọn của HLV Park khác biệt với người hâm mộ, nó có thể không đến từ con số thống kê, mà đến từ sự phù hợp cũng như khả năng đóng góp vào lối chơi chung của tập thể. Quyết định luôn khó khăn, ông cũng mong muốn có nhiều lựa chọn hơn nữa ngoài A và B, nhưng thực tế ở V-League lại là đất diễn của cầu thủ ngoại. Chính thầy cũng đã phàn nàn điều này ở bài phỏng vấn sau trận Malaysia. Hy vọng VFF có những biện pháp trong thời gian tới để nhiều cầu thủ nội được thi đấu, cọ xát hơn nữa.
Chúc tuyển Việt Nam thi đấu tốt ở trận Indonesia. Chúc thầy Park mạnh khỏe và hy vọng ông gắn bó lâu dài với Việt Nam.
Ông Park đã tạo nên một đội bóng kỷ luật tuyệt vời. Và xin đừng ai nói thắng là phải đẹp nữa vì tính chất đội tuyển quốc gia khác CLB rất nhiều. Ở CLB, các cầu thủ đá với nhau hàng tuần nên nhuần nhuyễn là chuyện bình thường. Và cũng xin nói luôn, nhà vô địch World Cup gần nhất sử dụng lối chơi tấn công đã từ năm 1986 rồi. Còn lại tất cả đều vô địch bằng sự thực dụng và kỷ luật, kể cả đó có là những đội mang tính hoa mỹ như Brazil năm 1994, 2002 hay Tây Ban Nha năm 2010.
Khoảng từ giữa hiệp một trở đi nhìn Malaysia không cầm được bóng, không tổ chức nổi một đợt hãm thành nào, có cảm tưởng trình độ Việt Nam ở trên Malaysia một bậc. Dù có gặp lại nhau nữa thì Malaysia cũng không thể nào thắng nổi, may mắn thì cầm hòa được. Nói chung, bảng G, Malaysia với Indonesia không có cửa. Indonesia cam phận lót đường còn Malaysia tuy không đủ sức cạnh tranh với 3 đối thủ mạnh hơn nhưng sẽ là chướng ngại vật khó chịu cho cả Việt Nam, Thái Lan, UAE. Riêng Việt Nam chúng ta, việc đầu tiên là giải quyết nhẹ nhàng Indonesia, không bung hết sức, đá vừa đủ thắng để lấy 3 điểm, tránh chấn thương thẻ phạt. Sau đó mới tung hết sức đánh bại cho được hai đối thủ trực tiếp Thái Lan và UAE ở Mỹ Đình trong tháng 11.
Rất may mắn là cả hai trận đấu then chốt chúng ta đều được đá sân nhà, thành công hai trận cầu đinh này sẽ rất thảnh thơi với những trận còn lại, sáng cửa đoạt ngôi nhất bảng khi đã nắm lợi thế lớn về điểm số.
Tài thao lược đầy mưu mẹo của ông Park Hang-seo cũng dần được hé mở đôi chút. Thế mới hiểu thêm được các cầu thủ của chúng ta tuân thủ đấu pháp và thi đấu xuất sắc như thế nào? Mặc dù đối thủ cũng "bắt bài" được chút đỉnh, nhưng để hóa giải nó không phải là chuyện dễ dàng. Chúc cho tập thể HLV cùng cầu thủ luôn khỏe mạnh, tiếp tục cống hiến nhiều trận đấu đỉnh cao, đem lại nhiều niềm vui và hạnh phúc cho người hâm mộ.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.