- Cảm xúc của ông khi trở về Hàn Quốc lần này?
- Không có gì quá đặc biệt, ngoài chuyện có rất nhiều cơ quan báo đài chào đón tôi và thực lòng, tôi biết ơn vì điều này. Tôi tự hào vì mình đã góp công cho sự thành công của bóng đá Việt Nam ở Asiad vừa qua.
- Sau khi đội tuyển trở về từ Asiad, không khí ở Việt Nam lại trở nên cuồng nhiệt. Nó có gì khác so với hồi tháng 1, sau khi ông và các học trò giành vị trí á quân ở U23 châu Á?
- Có vẻ thành tích này không được như kỳ vọng, so với tấm HC bạc ở giải U23 châu Á. Dù vậy, mọi người vẫn vui vẻ và đón chào nhiệt liệt.
- Trước Asiad, ông có nghĩ đến việc lọt vào tứ kết?
- Trước khi lên đường sang Indonesia, tôi có gặp mặt Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ông ấy nói rằng Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn ở Asiad. Hầu hết người Việt Nam đều cho rằng đội tuyển không đủ khả năng tiến xa. Các phương tiện truyền thông của họ cũng không mong đợi nhiều từ Asiad.
- Cùng về đích thứ tư ở giải đấu, cảm xúc của ông tại Asiad 2018 có gì khác với World Cup 2002 - khi ông làm trợ lý của HLV Guus Hiddink ở đội tuyển Hàn Quốc?
- Tôi nghĩ mình đã gắng hết sức để thắng trận cuối, nhưng không may là mọi chuyện không như mong đợi. Dù không đoạt huy chương, đây vẫn là kỳ tích với Việt Nam khi lần đầu vào bán kết Asiad kể từ khi quốc gia này trở lại hội nhập. Có vẻ như các học trò của tôi đã để lại dấu chân trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
- Ông cảm thấy thế nào về sự cổ vũ của CĐV Việt Nam?
- Tôi gặp rào cản về ngôn ngữ nên không thể giao tiếp và đọc báo tiếng Việt. Nhưng tôi biết có rất nhiều câu chuyện được kể qua các phương tiện truyền thông. Khi ra ngoài đường, mọi người thể hiện sự cảm kích. Bằng cảm giác, tôi biết được điều đó.
- Ông đã ở Việt Nam 11 tháng. Động lực nào giúp ông đạt được thành công trong thời gian ngắn như vậy?
- Chính xác là tôi đến Việt Nam ngày 25/10. Thực tế, tôi không làm điều ấy một mình. Tôi có trợ lý Lee Young-jin, Bae Myoung-ho và các thành viên khác người Việt Nam trong ban huấn luyện. Các cầu thủ cũng tập luyện rất chuyên nghiệp. Những điều này kết hợp lại và tạo ra thành công.
- Ông nghĩ gì khi được gọi là "Hiddink của Việt Nam"?
- Việc so sánh tôi với ngài ấy có vẻ là điều nhỏ ở Việt Nam. Nhưng với cá nhân tôi, đó là gánh nặng.
- Theo ông, ưu điểm của bóng đá Việt Nam là gì?
- Có thể so sánh họ với Hàn Quốc. Người dân Việt Nam có lòng tự tôn rất lớn. Bên cạnh đó, các cầu thủ rất đoàn kết. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì nếu có đồng đội đi cùng.
- Một vấn đề rất được quan tâm ở Asiad, đó là ông tới tận phòng matxa chân cho cầu thủ?
- Tôi không xem video ấy trên Youtube, cũng không biết chính xác nội dung những bài báo nói gì. Tôi thường đến phòng y tế và kiểm tra tình hình sức khoẻ của các học trò. Tôi chỉ có một trợ lý phụ trách việc này nên thường dành sự quan tâm nhiều hơn.
- Ông đã hát quốc ca Hàn Quốc ở bán kết Asiad. Cảm giác ấy có giống hồi World Cup 2002?
- Tôi đã làm điều ấy một cách gần như vô thức. Đó không phải nhân cách hay cái gì đại loại như thế. Tất cả chỉ là cảm xúc.
- Kỳ vọng của Việt Nam tại AFF Cup đang tăng cao, sau những thành công liên tiếp. Liệu ông cùng các cầu thủ có còn nguyên động lực?
- Càng lên cao, bạn càng chịu nhiều áp lực. Tôi không có nhiều thông tin về bóng đá nam Asiad, nhưng rồi vẫn giành đỉnh bảng. Tôi nghĩ không phải quá lo lắng. Chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ, qua từng trận đấu, và cố gắng thưởng thức giải đấu.
- Thế còn công tác chuẩn bị cho AFF Cup?
- Tôi sẽ theo dõi V-League, sau đó gửi danh sách sơ bộ 35 tuyển thủ vào ngày 1/10. Chúng tôi cần theo dõi các trận đấu một cách liên tục, lựa chọn cầu thủ và tiếp tục chương trình tập luyện với những người được chọn. VFF sẽ triệu tập cầu thủ từ giữa tháng 10. Đó cũng là thời điểm K-League hạ màn. Có lẽ đội tuyển Việt Nam sẽ giao hữu hai hoặc ba trận tại Hàn Quốc.
- Hình như đang có vấn đề về tiền lương giữa ông và Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF?
- Tôi không suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Tôi vẫn cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại.
- Ông nghĩ gì khi được coi là một nhà ngoại giao kết nối Việt Nam, Hàn Quốc?
- Tôi có thể đóng một vai trò nào đó trong bóng đá, nhưng luôn nhớ mình là một người Hàn Quốc. Tôi không rõ quan hệ giữa hai nước như thế nào. Mục tiêu của tôi chỉ là cố gắng phát triển bóng đá Việt Nam.
- Nếu được đưa ra lời khuyên cho các HLV Hàn Quốc, liệu ông có gợi ý Đông Nam Á như là một điểm đến lý tưởng?
- Có rất nhiều HLV Hàn Quốc giỏi hơn tôi. Tôi tin có nhiều cơ hội dành cho họ, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở nước ngoài. Chỉ khi dám dấn thân, chấp nhận thử thách, bạn mới biết được mình sẽ thành công hay thất bại. Tôi nghĩ mình đã thu lượm được nhiều điều quý báu và ý nghĩa so với thời gian ở Hàn Quốc. Tôi có những trải nghiệm mới, với tư cách HLV đội tuyển quốc gia. Tôi nghĩ, mọi cơ hội đều không nên bị bỏ qua.
- Cảm xúc của ông khi đối đầu Hàn Quốc ở các giải đấu?
- Tôi đã được báo chí Việt Nam đặt nhiều câu hỏi tương tự, chẳng hạn về việc hát quốc ca. Tôi nghĩ đó là lẽ tự nhiên, bởi tôi là một con dân Hàn Quốc. Dù vậy, tôi sẽ không quên trách nhiệm của một HLV của Việt Nam. Tôi luôn vào trận với quyết tâm chiến thắng, dù đối thủ có là ai. Trong tương lai, tôi cũng giữ nguyên cách làm này.
Thắng Nguyễn (theo Dispatch)