HIV làvirus gây suy giảm miễn dịch ở người. AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Trong giai đoạn này, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên người bệnh dễ mắc các bệnh như nhiễm khuẩn, ung thư... dẫn đến tử vong. Hiện vẫn chưa có thuốc nào chữa khỏi HIV.
Theo bác sĩ Hoàng Hồng Vân, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, triệu chứng HIV rất khó nhận biết. Có những giai đoạn người bệnh không có triệu chứng gì, tình trạng này có thể kéo dài bằng năm. Đa số trường hợp nhiễm HIV đều không biết thời điểm chính xác mình bị lây nhiễm, không biết nguồn lây cho mình. Nhiều trường hợp chỉ có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm. Đến khi chuyển AIDS, bệnh nhân có biểu hiện gầy, sốt, đau đầu, ho, xuất hiện nhiều bệnh như ung thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân. Người bệnh nhanh chóng tử vong tùy theo quá trình chăm sóc và điều trị.
Các con đường lây nhiễm HIV:
Đường máu
Truyền máu trực tiếp từ người bị bệnh HIV sang người bình thường chính là đường lây lan HIV nhanh nhất. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp bởi trước khi lấy máu phải qua quá trình xét nghiệm xem có đủ điều kiện truyền hay không. Thông thường, HIV lây truyền qua sử dụng chung bơm kim tiêm bị nhiễm virus không được diệt trùng đúng cách, đặc biệt ở người nghiện chích ma túy. Virus HIV có trong máu của bệnh nhân, khi tiêm chích làm kim tiêm có chứa máu nhiễm HIV. Sau đó kim này không được vệ sinh sạch sẽ lại dùn tiêm cho người khác, dẫn đến lây virus.
Quan hệ tình dục
Đây là phương thức lây phổ biến nhất trên thế giới. Người mang virus HIV khi quan hệ tình dục sẽ lây truyền cho bạn tình. Tỷ lệ lây nhiễm HIV cho mỗi lần quan hệ không bảo vệ ước tính 0,1% đến 1%. Tỷ lệ này sẽ gia tăng theo tần suất quan hệ. Quan hệ tình dục có bảo vệ bằng bao cao su vẫn có nguy cơ lây nhiễm HIV nhưng tỷ lệ thấp hơn hẳn. Bao cao su làm tăng độ an toàn lên đến 90-95% nếu thực hành đúng cách.
Quan hệ bằng miệng ít có khả năng lan truyền bệnh hơn. Tuy nhiên, trong miệng có lở xước hay chảy máu răng mà không biết thì HIV vẫn có khả năng lây bệnh.
Truyền từ mẹ sang con
Mẹ nhiễm virus HIV sinh con có 30% khả nǎng lây nhiễm do nhận dinh dưỡng qua nhau thai, qua máu... Nên thực hiện xét nghiệm khi trẻ 6-12 tháng tuổi sau sinh, lúc này trong máu của bé không còn giữ những kháng thể của mẹ.
Tuổi đời của trẻ dương tính với virus HIV chỉ kéo dài đến khoảng 3 năm.
Những con đường không lây nhiễm HIV
- Muỗi đốt: Virus HIV không sống và sinh sản trong cơ thể muỗi. Muỗi chỉ gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết...
- Hôn: Thành phần của các chất dịch trong cơ thể như nước bọt của người mang virus HIV chỉ có một lượng virus rất nhỏ bé, không đủ để phá hủy cơ thể người.
- Các tiếp xúc thông thường: Virus HIV lây truyền qua đường máu. Tất cả các tiếp xúc như cùng ǎn uống, mặc chung quần áo, hắt hơi, bơi chung bể bơi, dùng chung nhà vệ sinh... đều không bị nhiễm HIV.
Xử trí vết thương khi kim tiêm nhiễm HIV
- Lấy vật gây tổn thương ra khỏi cơ thể.
- Rửa sạch vết thương theo chiều máu chảy. Tuyệt đối không bóp, nặn máu ở vết thương.
- Sát khuẩn vết thương bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Băng bó lại vết thương và đến cơ sở y tế trong vòng 24 giờ để được xử lý những bước tiếp theo.
Cách phòng tránh lây nhiễm HIV
- Sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng. Không quan hệ tình dục bừa bãi.
- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một người chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...
- Người phụ nữ bị nhiễm HIV không nên có thai, nếu đã có thai thì không nên sinh con.
- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.
Thúy Quỳnh