Những âm thanh đáng yêu kiểu thế này:
- Bớt cho tôi 500 won cũng được mà
- Tôi không bớt được đâu. Nhưng tôi sẽ cho chị thêm một nắm rau
Những âm thanh như vậy sẽ không thể tìm thấy ở những hình thức buôn bán khác ngoài chợ truyền thống.
Văn hóa sinh hoạt, giao tiếp, tâm tính con người cũng bộc lộ rất nhiều trong cái chợ. Đi chợ từ những ngày đầu đặt chân đến Hàn Quốc đã giúp tôi nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống nơi đây. Đó chỉ là một trong nhiều sự thú vị mà chợ truyền thống đem lại cho người mua và khách du lịch.
Cũng như Việt Nam và nhiều quốc gia có văn hóa "chợ ướt" ở châu Á, chợ Hàn Quốc từng trải qua hai phen lao đao. Vài thập kỷ trước, chợ tưởng sẽ bị xóa sổ bởi hệ thống siêu thị của Emart, Homeplus nay là No Brand... Vừa gắng gượng trụ lại, giới tiểu thương tiếp tục hứng chịu cơn bão Covid-19 càn quét, khiến chợ thậm chí trở thành nỗi ám ảnh dịch dã cho người mua. Sự phát triển của công nghệ số, tạo nên cuộc cách mạng trong thương mại điện tử, khiến người Hàn có lúc tưởng như sẽ không còn nghe thấy những âm thanh lao xao của cuộc sống từ cái chợ.
Nhưng người Hàn không ngồi nhìn chợ chết. Các hộ buôn bán ở chợ truyền thống không ít lần biểu tình đòi chính phủ hỗ trợ sinh kế bền vững cho họ. Để xử lý nhanh chóng, chính phủ đã dành không gian Quảng trường Gwanghwamun của thủ đô Seoul vào ngày cuối tuần để người buôn bán trong chợ truyền thống hoạt động. Hoặc vào những ngày họp chợ (5 ngày một tuần), các hình thức mua bán khác phải đóng cửa theo giờ hoặc theo ngày để hỗ trợ cho sinh kế của tiểu thương.
Tuy nhiên, những giải pháp đó gây ra nhiều tranh cãi về công bằng trong kinh doanh. Hơn nữa, chúng cũng không giải quyết được bài toán về sự cạnh tranh khác đến từ các sàn giao dịch mua bán điện tử. Vì thế, gần đây, chính quyền Thành phố Seoul đã bắt đầu "phục hồi các thương gia" như một phần trong nỗ lực khôi phục các khu chợ gắn liền với lịch sử và truyền thống của vùng đất Seoul, gắn chợ với hoạt động du lịch. Họ chọn ra những người có bí quyết buôn bán giỏi để chia sẻ cho hơn 13.000 tiểu thương khác của chợ truyền thống.
Những người này không chỉ hướng dẫn cách bán hàng mà còn chia sẻ bí quyết làm sao mua được lòng của khách hàng đúng kiểu "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Song song đó là nghệ thuật bày biện hàng. Giống như những siêu thị lớn, họ có chiến lược trưng bày các mặt hàng theo từng giai đoạn và làm mới không gian để khách hứng thú hơn.
Mỗi tiểu thương cũng học cách nói lời hay trong hoạt động trao đổi mua bán, học tính liên kết bán hàng để đồng hành giữ và mời khách đến chợ truyền thống. Mới đây, tôi đến chợ Jekidong. Quả thật khác hẳn. Không chỉ bày biện, chợ còn đầu tư mái che nghệ thuật, vừa tránh mưa tránh tuyết vừa có nhiều hình ảnh về thủ đô Seoul giúp du khách hiểu hơn về sự tồn tại của ngôi chợ trong thủ đô hơn 600 tuổi này.
Coi chợ như một sản phẩm du lịch của địa phương cũng là điều mà quốc gia này hướng tới. Những lễ lội làng diễn ra trong chợ được tái hiện đúng vào các dịp festival của địa phương. Dần dà họ tạo thói quen cho du khách tìm đến chợ truyền thống. Lễ hội gạo Odae ở Cheorwon, chợ sâm của Geumsan là những mô hình thành công như vậy.
Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công Thương năm 2022, có hơn 8.500 chợ truyền thống, lưu thông 35-40% lượng hàng hóa. Còn theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Chợ truyền thống được đánh giá đang đuối sức, chết mòn trước sự xâm lấn của thương mại điện tử và các mô hình bán lẻ hiện đại. Thử thách đặt ra là với 74% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm của mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD/ năm. Tỷ lệ người dùng Internet mua sắm hàng hóa trực tuyến hàng tuần của Việt Nam ở mức trên 60%, thấp hơn Thái Lan 66,8%, Hàn Quốc 65,6%, nhưng cao hơn mức trung bình toàn cầu 57,6%, cũng theo Nielsen.
Sự suy yếu của chợ truyền thống, về lâu dài, sẽ khiến hàng triệu lao động phổ thông rơi vào cảnh mất nghiệp, ảnh hưởng đến sinh kế, gây ra gánh nặng an sinh cho cả xã hội.
Tương tự Hàn Quốc, Thái Lan cũng tìm cách hồi sinh chợ bằng việc kết hợp thành sản phẩm du lịch. Chẳng hạn, tiểu thương chợ Chatuchak ở Bangkok, luôn cập nhật xu hướng, từ các món ẩm thực thời thượng đến trend thời trang của Hàn Quốc, Nhật Bản - phân khúc khách hàng chính của họ, nên 9.000 gian hàng tại đây luôn đủ loại mặt hàng, giá cả hợp lý, là thiên đường vui chơi về đêm cho du khách.
Tôi đã nhìn thấy những nỗ lực thay đổi để tồn tại ở các chợ Việt Nam. Gần đây, chợ chồm hổm của thành phố Vị Thanh, Hậu Giang đã dựa vào đặc trưng "ngồi xổm bán hàng" của mình để quảng bá, thu hút sự hiếu kỳ của khách du lịch và các nhiếp ảnh gia. Hoặc các tiểu thương chợ An Đông, TP HCM tạo nên "hình thức hybrid", kết hợp đi chợ tại chỗ và online bằng cách livestream bán hàng, ship tận tay người dùng...
Nhưng chỉ như thế thôi là chưa đủ để cạnh tranh với các kênh bán lẻ và thương mại điện tử đang thay đổi từng ngày. Chợ truyền thống có những ưu thế riêng mà các kênh bán hàng khác không có được, chẳng hạn: thực phẩm, sản vật địa phương, ẩm thực tươi ngon, đa dạng, thoải mái lựa chọn, đặc biệt là những trải nghiệm văn hóa, du lịch sống động...
So với nhiều nước, chợ Việt Nam còn rất nhiều điểm yếu, thậm chí triệt tiêu cả những thế mạnh vốn có của mô hình này: hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng quá kém; thói quen nói thách, "chém" giá trên trời; vệ sinh - an toàn thực phẩm quá kém; cách thức giao tiếp thô lỗ, xúc phạm (đốt vía, đốt phong long) khách hàng...
Trong cuộc xoay xở thoát khỏi cảnh hiu hắt, chợ truyền thống ở Việt Nam trước hết cần sự thay đổi từ chính các tiểu thương, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi mô hình này được thay da đổi thịt, một chiến lược mới từ chính phủ và các nhà quản lý, nhằm biến chợ thành một sản phẩm trải nghiệm độc đáo, sẽ không chỉ hồi sinh hoạt động thương mại này, đảm bảo đời sống cho tiểu thương mà còn có thể đa dạng hóa điểm đến du lịch.
Nguyễn Nam Cường