Trả lời:
Tục thắp nhang hay còn gọi là thắp hương, dâng hương – đã có từ lâu đời trong văn hóa của người Việt, một hình thức bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn. Đặc biệt những ngày Tết, người dân đốt nhang và vàng mã nhiều. Nhiều gia đình yêu thích sử dụng loại nhang có mùi thơm nồng, tuy nhiên lưu ý nếu hít quá nhiều khói nhang có thể là mối nguy với sức khỏe.
Trong nhang hương, ngoài thành phần từ vỏ cây, vỏ quả, thảo mộc, đất sét... còn có hóa chất, phẩm màu, lưu huỳnh, axit photphoric, chất tạo mùi, vòng thơm benzene. Khi những chất này phát tán có thể gây cay mắt, khó chịu, thậm chí gây kích ứng mũi, mắt, cổ họng, ảnh hưởng hệ hô hấp hoặc làm nặng hơn các bệnh lý hô hấp đang có. Ngay cả khi tiếp xúc ngắn với khói hương, chức năng hàng rào biểu mô mũi họng cũng có thể bị phá vỡ, gây phản ứng dị ứng, kích hoạt cơn hen suyễn tái phát.
Khói nhang còn gây ô nhiễm môi trường không khí, dẫn tới tình trạng viêm phổi. Nhang càng thơm tẩm ướp nhiều hóa chất, mùi thơm nhiều thì lại càng nguy hiểm.
Bạn nên mua nhang ở những nơi uy tín, ưu tiên dùng nhang có nguồn gốc tự nhiên, không tẩm ướp hóa chất, có mùi hương dịu nhẹ dễ chịu, ít hại sức khỏe. Bên cạnh đó, đốt lượng vừa phải, chủ yếu là lòng thành kính chứ không phải đốt thật nhiều mới là tốt. Khi đó, nên mở cửa phòng giúp lưu thông khí khi cúng bái. Không cắm nhang gần mâm cỗ hoặc cắm trực tiếp vào đồ ăn vì tàn nhang có thể lẫn vào thực phẩm gây ngộ độc. Cẩn trọng khi dùng loại có nhuộm màu vàng đỏ, nhũ kim tuyến và loại có mùi hương đậm.
Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người bị bệnh nền như ung thư, viêm phế quản phổi mạn nên hạn chế tiếp xúc nhiều với khói nhang.
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh
Hội Bệnh mạch máu Việt Nam