"Chúng tôi đang phải chật vật", Herold cho biết. Khu chăm sóc tích cực trong bệnh viện của cô còn trống 50/150 giường, nhưng chỉ đủ nhân viên điều trị cho khoảng 100 giường, có nghĩa là không còn khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân. 4/12 bác sĩ thuộc nhóm của Herold đang ở nhà sau khi nhiễm nCoV.
Hồi đầu tháng 11, nhiều nước châu Âu quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, nhằm kiềm chế tình trạng nCoV lan rộng khiến số ca nhiễm tăng mạnh và gây áp lực lên hệ thống bệnh viện. Tuy nhiên, Đức lại chọn phương án "nhẹ tay" hơn, khi chỉ cấm dùng bữa trong nhà hàng và quán bar, vẫn cho phép các tiệm làm tóc cùng hầu hết doanh nghiệp và cơ sở bán lẻ hoạt động.
Điều này dường như đã dẫn đến tình hình Covid-19 khác biệt giữa Đức và các nước châu Âu khác. Tại Pháp, nơi người dân phải điền vào đơn mới được ra ngoài và các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa dưới lệnh phong tỏa, số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày đã giảm từ hơn 50.000 xuống khoảng 10.000. Tại Bỉ, quốc gia có tỷ lệ nhiễm nCoV trên đầu người cao nhất châu Âu trước khi chính phủ ban lệnh phong tỏa, số ca nhiễm đã giảm từ 17.000/ngày xuống khoảng 2.500.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới hàng ngày tại Đức hầu như không thay đổi, dao động ở mức khoảng 20.000 ca/ngày, dù đã ngừng gia tăng theo cấp số nhân. Tình huống này trái ngược với hình tượng của Đức trong làn sóng Covid-19 đầu tiên, khi họ được ca ngợi vì phản ứng hợp lý trước đại dịch.
"Ngay cả khi Đức từng được coi là chống dịch thành công và được lấy làm hình mẫu cho nhiều nơi khác, chúng tôi luôn biết đó chỉ là một giai đoạn nhất định. Giờ đây, chúng tôi không thể hạ thấp các con số. Tình hình vô cùng căng thẳng", Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức, cho biết hồi tuần trước.
Đức hiện ghi nhận tỷ lệ nhiễm nCoV trên đầu người cao hơn bất kỳ nước nào trong số 5 quốc gia lớn nhất châu Âu, bên cạnh Italy, nơi các lệnh hạn chế đã giúp tỷ lệ nhiễm hàng ngày giảm gần 40% kể từ mức đỉnh hồi tháng 11. Tại Italy, cư dân sống tại những nơi được đánh dấu là "vùng đỏ" chỉ có thể rời nhà để đi làm, mua đồ thiết yếu và lý do sức khỏe, những doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa.
"Mọi thứ đều chứng minh lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong thời gian ngắn chính là giải pháp. Tôi nghĩ vấn đề văn hóa tại Đức khiến mọi người không quá đề cao cách làm này, dù đó sẽ là lựa chọn đúng đắn", giáo sư Dirk Brockmann tại Viện Sinh học Lý thuyết tại Berlin, người thiết lập các mô hình về Covid-19, nhận định.
Ngay từ đầu, một số biện pháp chống Covid-19 tại Đức đã lỏng lẻo hơn so với các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, các phong trào chống phong tỏa ở nước này vẫn rầm rộ hàng đầu châu lục. Dù Thủ tướng Angela Merkel từng tuyên bố vẫn ưu tiên mở cửa nền kinh tế và trường học trong giới hạn của hệ thống y tế, việc thuyết phục lãnh đạo 16 bang đồng ý áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn không dễ dàng.
Phát biểu sau cuộc họp hôm 2/12, với việc lãnh đạo các bang quyết định tiếp tục giữ nguyên hiện trạng tới ngày 10/1 thay vì tăng cường chống dịch, bà Merkel cho biết Đức vẫn còn cách xa mục tiêu giảm mức độ lây nhiễm xuống trung bình 50 ca mới/100.000 dân trong 7 ngày. Con số này hiện nay là 134.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đại dịch tại nhiều nước châu Âu dần cải thiện, các chính trị gia Đức bắt đầu ám chỉ về việc siết chặt hơn biện pháp kiểm soát. "Đến một lúc nào đó tại Đức, chúng ta sẽ phải một lần nữa quyết định rằng liệu có nên hành động nghiêm ngặt hơn hay không", Thủ hiến bang Bavaria Markus Soder cho hay.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 4/12 cũng cho rằng việc tái áp đặt các biện pháp hạn chế mạnh mẽ hơn tại những "điểm nóng" đại dịch là "chắc chắn cần thiết". Bên cạnh đó, dù quá trình phát triển vaccine Covid-19 đã đạt những bước đột phá, bà Merkel cảnh báo một mùa đông khó khăn đang chờ đợi phía trước, bởi việc tiêm chủng diện rộng có thể mất nhiều tháng để chuẩn bị.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là sự mệt mỏi vì đại dịch kéo dài dường như đang bao trùm châu Âu. Hồi cuối tháng 10, bà Merkel cho biết công tác truy vết tiếp xúc không thể bắt kịp tốc độ lây lan của virus, khi giới chức y tế không thể xác định 75% số ca nhiễm đến từ đâu.
Giới chuyên gia Đức giải thích rằng thành công ban đầu của nước này trong đại dịch đã khiến họ dễ có xu hướng rơi vào cái gọi là "nghịch lý phòng ngừa", nghĩa là người dân trở nên chủ quan bởi họ ít chịu ảnh hưởng. "Nhiều người hoàn toàn chưa từng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 và vẫn có người phủ nhận đại dịch", Wieler cho hay.
Herold, chuyên gia tại Bệnh viện Đại học Giessen, chỉ ra thêm rằng tình trạng phòng dịch lỏng lẻo trong mùa du lịch hè, sau đó các gia đình trở về nhà ngay khi trường học mở cửa và thời tiết lạnh hơn, là những yếu tố khiến Covid-19 tái bùng phát dữ dội.
Theo Herold, việc đường cong trên đồ thị Covid-19 được làm phẳng dần vẫn chưa đủ, bởi thời gian bệnh nhân Covid-19 lưu trú kéo dài khiến bệnh viện vẫn phải chịu gánh nặng. "Chúng tôi đang điều trị số lượng bệnh nhân vừa đủ trong khả năng. Nếu các con số tăng trở lại, tình hình sẽ rất gay go", cô nói.
Đó là lý do Herold lo ngại về Giáng sinh. Dù Đức quyết định duy trì các biện pháp hiện nay đến ngày 10/1, chúng dự kiến được nới lỏng hơn trong một tuần nghỉ lễ, khi các gia đình trên hầu hết đất nước được tụ tập tối đa 10 người lớn và không giới hạn số trẻ em dưới 14 tuổi.
Những ngày gần đây, bệnh viện của Herold xuất hiện một trường hợp bệnh nhân cao tuổi cần phẫu thuật sau khi ngã, nhưng các dịch vụ phẫu thuật không cấp thiết buộc phải hủy bỏ do tình hình đại dịch.
"Tôi cảm thấy lo lắng. Chúng tôi phải chờ bệnh nhân Covid-19 tiếp theo tử vong mới có thể tiến hành phẫu thuật cho bà ấy", Herold nói.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)