Trong đoạn video được quay cách đây hai tuần tại một trung tâm tị nạn ở Berlin, một người đàn ông lớn tiếng cãi cảnh sát: "Không, tôi sẽ không ở đây". Sự việc xảy ra sau khi cảnh sát hộ tống xe cứu thương chở một bệnh nhân Covid-19 cùng ba người tiếp xúc gần khác tới trung tâm này.
Cuối cùng, xe cứu thương cùng cảnh sát rời đi, còn người tị nạn được yêu cầu ở yên bên trong khu tạm trú của mình. Không ít người giận dữ phản đối vì họ đã bị cách ly nhiều ngày. Giờ đây, họ sợ rằng sẽ lại bị cách ly thêm hai tuần nữa.
"Chúng tôi đã quen với sự xuất hiện của những người bị nhiễm nCoV, chúng tôi phải tự trấn an mình thôi", Anna, một người được phỏng vấn sử dụng tên giả vì sợ sẽ bị đuổi khỏi trung tâm tị nạn, nói. "Nhưng rồi những gia đình mới tiếp tục được đưa đến đây, căng thẳng bắt đầu gia tăng. Tôi lo lắng cho các con mình. Tại sao họ lại đưa những người nhiễm virus tới đây? Họ phong tỏa chúng tôi, và rồi đưa người nhiễm nCoV tới sống cùng chúng tôi".
Văn phòng Tị nạn Berlin (LAF), xác nhận việc một bệnh nhân Covid-19 cùng ba người tiếp xúc gần đã được đưa tới trung tâm tị nạn trên từ một cơ sở lưu trú khác. Lý do nhà chức trách đưa ra là nếu không làm vậy, cơ sở lưu trú ban đầu cũng sẽ bị cách ly. Rõ ràng, ở trung tâm thứ hai, việc "tách" người bị nhiễm bệnh khỏi những người khác dễ dàng hơn.
Song Anna tự hỏi vì sao người tại trung tâm tị nạn cũng bị cách ly nếu những người bị nhiễm đã được tách ra. Anna cho biết cô ban đầu cảm thấy sốc khi lệnh phong tỏa được áp đặt. "Mọi người hoảng loạn bởi họ không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào. Chúng tôi không kịp mua đồ dự trữ trước. Không còn cả giấy vệ sinh hay những đồ thiết yếu khác. Tất cả mọi người đều tức giận", cô kể.
Theo LAF, họ không phát cảnh báo bởi bác sĩ đưa ra quyết định rất chớp nhoáng. Nhưng LAF khẳng định người tại trung tâm tị nạn đã được thông báo trực tiếp về lệnh phong tỏa theo những nhóm nhỏ.
Trung tâm tị nạn kể trên không còn bị cách ly hoàn toàn nhưng hai trung tâm khác vẫn trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Một trung tâm là nơi lưu trú của 270 người tị nạn, trung tâm còn lại có 100 người. Người tị nạn không thể ra ngoài trong hai tuần, kể cả mua sắm hay gặp bác sĩ. Bếp ăn sẽ cung cấp thực phẩm và y bác sĩ sẽ tới thăm khám định kỳ. Nếu phát hiện thêm các trường hợp nhiễm nCoV mới, lệnh phong tỏa có thể được gia hạn.
Đức hiện có khoảng 1,5 triệu người tị nạn, trong đó nhiều người sống trong các trung tâm, ở chung phòng với người lạ trong kông gian sống chật chội. Các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người tị nạn từ lâu đã chỉ trích tình trạng thiếu tính riêng tư tại những trung tâm lưu trú. Hiện tại, việc mọi người phải dùng chung phòng tắm và bếp càng khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn, khiến virus dễ lây lan hơn.
Một số nhà phê bình lo ngại người sống tại các trung tâm tị nạn cuối cùng sẽ lần lượt lây nhiễm cho nhau và lệnh phong tỏa sẽ không ngừng được gia hạn. Một quan chức thuộc sở y tế công cộng Berlin cho hay các trung tâm tị nạn giống như những "du thuyền" chứa đầy người nhiễm virus.
"Cách nghĩ của họ dường như là 'chúng tôi sẽ phong tỏa toàn bộ trung tâm với sự hỗ trợ từ cảnh sát cho tới khi toàn bộ khu vực bị lây nhiễm'. Điều này là phi đạo đức!", ông nhấn mạnh.
Một nguồn tin y tế công cộng thừa nhận việc cách ly người tị nạn mà không thông báo trước rất gây lo ngại. "Nó sẽ kích động những người vốn đã chịu áp lực nặng nề về tâm lý", nguồn tin đánh giá.
Ali Saad là người tị nạn đến từ Syria hiện sống tại một trung tâm lưu trú ở phía nam thủ đô Berlin cùng vợ và con gái ba tháng tuổi.
"Chúng tôi được yêu cầu ở yên trong nhà, không tiếp xúc với bất cứ ai. Đó là tất cả thông tin chúng tôi nhận được. Tôi rất lo lắng cho gia đình mình", anh nói. Saad vẫn buộc phải ra ngoài để mua sắm nhưng luôn đeo găng tay và bôi chất khử trùng. "Chúng tôi chẳng còn gì trong nhà cả".
Vũ Hoàng (Theo DW)