Ross Franquemont, phi công kiêm sĩ quan huấn luyện trinh sát cơ U-2 của Mỹ, hôm 7/3 công bố ảnh chụp cực quang trong một nhiệm vụ do thám gần khu vực Bắc Cực, theo Aviationist.
Chiếc U-2 của Franquemont xuất phát từ nước Anh để thực hiện một nhiệm vụ do thám bí mật. Chi tiết về phi vụ này không được công bố, nhưng phi công Mỹ cho biết đã bay gần đảo Greenland sau khi gặp Bắc cực quang. Franquemont áp dụng kỹ thuật phơi sáng để ghi lại đầy đủ màn trình diễn ánh sáng của tự nhiên, nhưng điều này cũng khiến một số bức ảnh bị nhòe do rung động của máy bay.
Cực quang là hiện tượng quang học thường xảy ra ở khu vực địa cực, sinh ra do sự tương tác giữa các hạt mang điện tích từ gió Mặt Trời với tầng khí quyển bên trên Trái Đất. Các dải sáng liên tục chuyển động và thay đổi, làm cho chúng trông giống như những dải lụa màu trên bầu trời. Hiện tượng này cũng xảy ra ở các hành tinh có khí quyển trong hệ Mặt Trời.
Dòng máy bay do thám U-2 có độ cao hành trình khoảng 21 km, lớn nhất trong tất cả các loại máy bay thuộc biên chế không quân Mỹ hiện nay. Để lên tới độ cao này, phi công U-2 phải mặc trang phục điều áp giống như phi hành gia, nhằm bảo đảm tính mạng khi buộc phải phóng ghế thoát hiểm ở độ cao cực lớn trong trường hợp gặp sự cố.
Độ cao hoạt động của U-2 nằm trong khu vực được coi là "rìa vũ trụ", cách mực nước biển khoảng 18-100 km.
Tại độ cao 21 km, phi công có thể thấy rõ độ cong của Trái Đất, trong khi bầu trời có màu đen do lớp không khí quá mỏng, không đủ để tán xạ ánh sáng Mặt Trời như ở độ cao nhỏ hơn. Phi công phải liên tục tập trung trong quá trình vận hành, do chênh lệch khoảng 5-10 km/h so với tốc độ hành trình tiêu chuẩn đều khiến máy bay thất tốc và mất điều khiển, hoặc vỡ tung thành nhiều mảnh.
U-2 "Dragonlady" là mẫu máy bay do thám được Mỹ phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ những năm 1950. Nhờ hàng loạt chương trình nâng cấp hiện đại hóa, U-2 vẫn là một thành phần quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của Mỹ tại Trung Đông.
Tử Quỳnh