Theo Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường (NXB Đại học Sư phạm), trước Cách mạng tháng Tám 1945, thơ Lưu Trọng Lư chủ yếu tập trung trong tập Tiếng thu.
Thế giới thơ của ông đầy tình và mộng. Ông diễn tả lòng mình một cách thành thực, kể cả nỗi buồn, những đam mê đắm đuối, những từng trải trong tình trường. Ở Lưu Trọng Lư, thơ, tình, mộng hòa quyện với nhau có lúc trở thành nhất thể. Tiếng thu sử dụng bút pháp chấm phá tượng trưng, nhạc điệu sâu lắng, có nhiều nét đồng điệu với hình ảnh lơ đãng, mơ màng của nhà thơ trong cuộc đời.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, bài thơ vẻn vẹn 9 câu, các ý trong bài thơ rời rạc, khấp khểnh, chẳng ý nào ăn nhập với ý nào. "Nếu cứ theo cách hiểu máy móc của những nhà phê bình quen bắt bẻ, cứ đè thơ ra mà tìm tư tưởng, tìm ý nghĩa thì đây là bài thơ "đầu Ngô mình Sở". Đã thế, tác giả còn tỏ ra vụng về. Tì vết của sự thô vụng ấy nằm trong hai câu chẳng thơ tí nào, nó như câu văn xuôi bình giảng văn học của học sinh phổ thông:
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Khi gộp tất cả lại, nằm trong một tổng thể, bài thơ "hay đến lạ lùng". Người ta không còn thấy dấu vết thô vụng đâu nữa. Đây là điều duy nhất xảy ra ở văn học Việt Nam và chỉ có một lần.
Cái hay của bài thơ không nằm ở câu chữ. Nó hoàn toàn siêu thoát, là cái hồn phảng phất đâu đó đằng sau những con chữ rất sáng tỏ mà lại vời vợi mông lung. Người ta chỉ cảm thấy được, chứ không thể nói ra được một cách rạch ròi. Đây là bức tranh thiên nhiên được vẽ bằng hồn, bằng cả điệu nhạc rất riêng của tâm hồn thi sĩ. Bởi nó, chứ không thể ngắm nó bằng lý trí tỉnh táo", nhà thơ Trần Đăng Khoa viết.
Còn nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, trong bài viết Hãy lắng nghe Tiếng thu, cho rằng hai lần "Em không nghe" ở khổ đầu và khổ tiếp theo với các hình ảnh "trăng mờ", "chinh phụ", "cô phụ" đã gợi ra không khí quạnh vắng cổ điển của "Chinh phụ ngâm".
"Tự nhiên làm ta nhớ đến câu thơ Mặt chinh phụ trăng dọi dọi soi. Tiếng thu ở đây được phát hiện như tiếng thở khẽ của nỗi cô đơn. Câu hỏi tu từ được tác giả sử dụng để gợi ý định hướng độc giả lắng nghe về phía cô đơn ấy mà tác giả không trực tiếp trả lời.
Từ một ánh trăng mờ đầy ấn tượng thổn thức đến nỗi mong nhớ chồng rạo rực của người đàn bà cô độc trong căn phòng mang một màu ẩm tối, lần Em không nghe cuối cùng mới hướng độc giả tới nỗi bơ vơ cùng cực.
Hai câu thơ cuối được hình thành chuyển nghĩa bằng định ngữ vàng, hai màu vàng đạp lên nhau, đã tạo ra một không gian cô đơn vô bờ bến.
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô?".
Trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng: "Trong thơ Lư, nếu có tả chim kêu hoa nở, ta chớ tin, hay ta hãy tin rằng tiếng kia màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó mới là quê hương của Lư. Thế giới thực của ta với bao nhiêu thanh sắc huy hoàng Lư không nghe thấy gì đâu. Sống ở thế kỷ hai mươi, ngày ngày nện gót giày xuống các con đường Hà Nội, mà người cứ mơ màng thấy mình gò ngựa ở những chốn xa xăm nào".
Câu 3: Nắng mới là bài thơ nổi tiếng của Lưu Trọng Lư viết về người mẹ. Đâu là chi tiết được nhà thơ miêu tả người mẹ?