Bà Hillary cho rằng thỏa thuận này sẽ không "đủ sức" kiểm soát được việc thao túng tiền tệ hoặc bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá thuốc quá cao, theo Reuters.
"Tiêu chuẩn ở đây rất cao, dựa trên những gì tôi chứng kiến, tôi không tin thỏa thuận đã đạt được yêu cầu đó. Rủi ro quá lớn, bất chấp những nỗ lực cao nhất của chúng ta, thỏa thuận này sẽ có hại hơn là thuận lợi", bà nói trong cuộc vận động tranh cử ở bang Iowa.
Giới quan sát cho rằng việc phản đối này sẽ giúp bà Hillary thu hút sự ủng hộ từ các nhóm lao động và người của đảng Dân chủ có tư tưởng tự do. Họ là những người phản đối TPP do lo ngại sẽ mất việc làm trong ngành sản xuất và làm suy yếu luật về môi trường. Bên cạnh đó, nếu Phó tổng thống đương nhiệm Joe Biden tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Hillary có thể cần một cương lĩnh tranh cử khác biệt.
Tỷ lệ ủng hộ dành cho Hillary gần đây sụt giảm do những tranh luận xung quanh việc bà sử dụng email cá nhân khi còn là ngoại trưởng.
Tuyên bố phản đối TPP của bà được đưa ra trước khi các đối thủ trong đảng Dân chủ có cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên vào tuần sau. Bà Clinton từng ủng hộ TPP khi còn là ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama.
TPP muốn được thực thi cần được Quốc hội Mỹ thông qua. Tuy nhiên thỏa thuân này đang bị các nghị sĩ hoài nghi.
TPP được Mỹ và 11 quốc gia thành viên tuyên bố hoàn tất đàm phán hôm 5/10 sau thảo luận kéo dài 5 năm. Thỏa thuận nhắm tới việc tự do hóa thương mại trong khu vực chiếm 40% nền kinh tế thế giới, được coi là thành công mang tính di sản của ông Obama. Các thành viên khác gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Khánh Lynh