Tại đêm trao giải Oscar lần thứ 85 hồi tháng hai, một điều trớ trêu bậc nhất xảy ra - trong khi bên trong nhà hát Dolby, Cuộc đời của Pi gặt hái những thành công rực rỡ với ba tượng vàng thì ở bên ngoài, cuộc đời của gần 500 người góp phần tạo ra tác phẩm này lại không biết đi về đâu. 483 con người này đều hoạt động trong lĩnh vực VFX (Visual Effect – Hiệu ứng hình ảnh) và biểu tình do bức xúc trước việc hãng Rhythm & Hue (R&H), một trong những biểu tượng về làm kỹ xảo tại Hollywood, phải tuyên bố phá sản hơn một tuần trước đó.
Những nghịch lý Hollywood
Hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao một hãng phim sản xuất hình ảnh cho bom tấn như Life of Pi – tác phẩm đã gặt hái gần 600 triệu USD trên toàn cầu – lại phải tuyên bố phá sản ngày 11/2 do hết kinh phí và không đủ tiền trả lương cho nhân viên? Không chỉ R&H, nơi từng đem tới những màn kỹ xảo mãn nhãn trong X-Men, The Lord of the Rings, The Hunger Games mà còn nhiều tên tuổi nữa trong lĩnh vực này tại Hollywood như Pixomondo (từng đoạt Oscar 2012 với Hugo), Digital Domain (Titanic, Avatar, Transformers, Pirates of the Carribean)... đều đã và đang rơi xuống vực thẳm.
Khi lên bục nhận giải Oscar “Đạo diễn xuất sắc” cho Life of Pi, đạo diễn người Đài Loan, Lý An, gửi lời cảm ơn tới “3.000 con người đã giúp sức tạo ra bộ phim này” mà không hề nêu tên cá nhân hay tập thể hãng R&H – xưởng phim giúp cho câu chuyện phiêu lưu của Yann Martel được tái hiện đẹp và kỳ vĩ đến mức choáng ngợp. Ông thậm chí còn khiến những người làm VFX cảm thấy bức xúc khi nói “tôi từng muốn bộ phim được làm ra rẻ tiền hơn”.
Không phải những chiếc máy tính tối tân với bộ xử lý hàng đầu mà công sức được bỏ ra trong hàng trăm giờ liền của các kỹ thuật viên, kỹ sư trong đoàn làm phim mới là đáng giá nhất. Trong lá thư ngỏ từ xưởng phim Zoic, cùng làm lĩnh vực như R&H thì với khung cảnh mê hồn trong Life of Pi và các giải thưởng mà bộ phim được nhận, cái giá Lý An phải trả “vẫn còn là quá hời” và câu nói trên của ông “đã đụng tới lòng tự ái của giới VFX”.
Sự ghi nhận duy nhất mà hãng R&H có được trong đêm Oscar là khi một thành viên của xưởng phim này – nhà chỉ đạo hình ảnh Bill Westenhofer – bước lên bục nhận Oscar “Hiệu quả hình ảnh” cho Life of Pi. Trong bài diễn văn cảm ơn được chuẩn bị sẵn, Westenhofer đã muốn nêu cao ý thức của Hollywood về tình hình của giới làm kỹ xảo song đã bị ban tổ chức Oscar “chặn họng” một cách không thương tiếc khi cho phát nhạc nền phim Jaws trong lúc ông vẫn đang phát biểu.
Westenhofer đã không dừng lại mà vẫn tiếp tục nhắc tới hãng R&H cùng tình hình tài chính khó khăn của họ, trước khi micro của ông bị tắt. Ban tổ chức chương trình không muốn sự kiện điện ảnh được chú ý nhất trong năm và tường thuật trực tiếp tới hàng trăm triệu khán giả toàn cầu có liên quan tới hình ảnh một xưởng phim phá sản, song hành động của họ lại là vết nhơ lớn nhất Oscar năm nay.
Đã đến lúc người quan tâm tới điện ảnh phải giật mình nhìn vào thực tại phũ phàng của giới làm VFX ở Hollywood cũng như đi tìm nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ này. Có rất nhiều lý do dẫn tới sự sụp đổ của R&H, như những công việc thủ công giờ đã được chuyển tới thực hiện tại Ấn Độ hay Trung Quốc, những nước có nguồn nhân lực dồi dào với chi phí rẻ hơn nhiều so với Mỹ; hay tính thiếu ổn định trong công việc (không phải lúc nào các hãng VFX cũng có phim để làm)...
Song quan trọng nhất có lẽ là bởi VFX không có một công đoàn – đơn vị đáng lẽ ra sẽ lên tiếng thay cho những bức xúc của người lao động. Chính vì lẽ đó mà không phải ai cũng “là một phần của Pi” như biểu ngữ được giăng lên trong cuộc biểu tình, tại một Hollywood mà tiền được đổ về túi của những nhà đầu tư quyền lực thay vì các nhân công phải đổ mồ hôi và chất xám để tạo ra sản phẩm. Trên màn ảnh, VFX là vô hình còn trong cuộc sống, vấn đề các kỹ thuật viên là hữu hình, nhưng không có một tổ chức nào đứng ra đòi lại công bằng cho họ.
VFX là gì?
Trong thời gian gần đây, người hay theo dõi thông tin điện ảnh trên Facebook từng bắt gặp những hình đại diện chỉ một màu xanh lá – một cách ủng hộ giới VFX được khởi xướng từ Hollywood. Trong điện ảnh, truyền hình hay cả những MV, phông nền màu xanh lá hoặc nước biển thường xuyên được sử dụng bởi các màu này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong hình ảnh thực tế, giúp cho các kỹ thuật viên dễ dàng xóa chúng đi và lồng ghép những khung nền khác vào. Đó chính là công đoạn “biến điều không thể thành có thể”, thứ khiến cho VFX trở nên thiết yếu với gần như mọi bộ phim hiện nay.
VFX không chỉ gói gọn trong việc xử lý hình ảnh qua máy tính mà còn bao gồm nhiều thứ khác như hiệu ứng cháy nổ (hiện diện trong mọi bộ phim hành động), nắm bắt hình ảnh (những King Kong, Gollum nổi tiếng trên phim đều được dựa trên cử động của một diễn viên) hay những đóng góp thầm lặng như làm ánh sáng trường quay, vẽ tranh nền...
Thử tưởng tượng một The Avengers không có những màn bay lượn chiến đấu của các siêu anh hùng, một Die Hard không có các cảnh cháy nổ hoành tráng, một thế giới Harry Potter không còn các hiệu ứng ma thuật... để hiểu được tầm quan trọng của VFX. Sự kỳ diệu của VFX được thể hiện trong Life of Pi khi chú hổ Richard Parker oai dũng thực chất không hề tồn tại mà được mô phỏng từ cử động của 4 con hổ thật và được tổng hợp, xây dựng lại nhờ máy tính. Trước cửa nhà hát Dolby, nơi diễn ra Oscar, một người biểu tình của hãng R&H lên tiếng: “Chúng tôi đã xây dựng ra thành phố này (Los Angeles) cùng mọi thành phố khác mà các bạn thấy trên phim ảnh, truyền hình. Tất cả đều nhờ VFX”.
VFX tại Việt Nam
Nếu như Hollywood vừa phải chứng kiến sự ra đi của một xưởng phim kỹ xảo thì làng điện ảnh Việt Nam cũng phải chịu những tổn thất lớn khi nghệ sĩ khói lửa Lê Minh Phương đã về cõi vĩnh hằng. Cái chết của Phương “khói lửa” – cái tên hàng đầu trong lĩnh vực của ông – cùng gia đình và hàng xóm lại tới từ những đạo cụ mà ông cất trong nhà.
Đây thực sự là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm khi mức độ quan tâm, đầu tư cho VFX (trong trường hợp này là an toàn lao động) chưa thực sự thấu đáo. Vẫn biết là người nghệ sĩ quá cố đã bất cẩn khi mang thuốc nổ về nhà, song đó là do hoàn cảnh bắt buộc với một người làm trong nhiều đoàn làm phim khác nhau, với khó khăn trong việc vận chuyển, trông giữ đạo cụ.
Nhìn xa hơn là việc dàn dựng các cảnh cháy nổ tại phim ảnh Việt Nam hiện nay vẫn được làm một cách thủ công, đầy nguy hiểm thay vì thực hiện qua kỹ xảo máy tính. Những cảnh sử dụng lửa như trên đều rất nguy hiểm nhưng các đạo diễn dường như vẫn chưa đủ tin tưởng vào tay nghề của giới làm VFX máy tính trong nước. Các bộ phim có nhiều kỹ xảo hay cảnh cháy nổ của Việt Nam thời gian gần đây như Mùi cỏ cháy, Thiên mệnh anh hùng... đều được đem sang Thái Lan để thực hiện hậu kỳ.
Điểm qua các hãng thực hiện hậu kỳ hay kỹ xảo hiện nay tại Việt Nam, có thể thấy một số cái tên như Film Ninja Production, Panamotion... với nhiều clip quảng cáo hay video ca nhạc với chất lượng chuyên nghiệp cao và hiệu ứng không thua gì các sản phẩm nước ngoài. Trên Youtube, có thể bắt gặp không ít video do các nhà làm phim nghiệp dư có kỹ xảo vô cùng ấn tượng, đẹp mắt – hầu hết đều là thành quả của sự tự học hỏi.
Tuy nhiên, vẫn chưa có một phim điện ảnh nào với kỹ xảo hoàn toàn “made in Việt Nam” để lại ấn tượng với khán giả. Để có được một sản phẩm đáng mơ ước như vậy, cần nhiều yếu tố như sự quan tâm, đầu tư đúng mực của những người có trách nhiệm và tâm huyết với điện ảnh nước nhà, sự tin tưởng và phối hợp ăn ý với đội ngũ làm VFX của các nhà làm phim và dĩ nhiên là cả cố gắng của người làm nghề.
Thịnh Joey