Từ một chuyên viên súng săn, Lê Minh Phương (sinh năm 1955) gắn với phim ảnh bằng công việc nguy hiểm khi thường xuyên làm việc với hóa chất, thuốc trộn tạo nổ và những tiếng nổ. Với khoảng 10 năm làm công việc tạo hiệu ứng khói, lửa cho phim, cái tên "Phương khói lửa" gắn với ông như một định mệnh.
Hiện tại, chuyên viên tạo hiệu ứng khói lửa, cháy nổ trên các phim trường phía Nam đếm chưa đủ một bàn tay. Trong số ít ỏi đó, Lê Minh Phương là một cái tên được tín nhiệm. Với sự mày mò tự học thêm, ông thường được các đoàn phim tin tưởng và các đạo diễn tìm đến. Với sự tỉ mỉ trong công việc, chuyên viên này từng hợp tác tạo hiệu ứng cho rất nhiều phim như: Dưới cờ đại nghĩa, Tây Sơn Hào Kiệt, Đất mặn, Cù lao mây, Áo lụa Hà Đông, Đường đua, Hồn đá...
Khoảng 20 năm trước, khi đi bộ đội công binh về, ông Lê Minh Phương học nghề làm khói lửa phim trường với các chuyên gia của Quân khu 7. Đạo diễn Tường Phương cho biết, ông từng được Lê Minh Phương cho xem bằng cấp là chuyên viên về súng săn. Bản thân ông Phương cũng có giấy tờ chứng nhận đàng hoàng về trình độ am hiểu các hóa chất cháy nổ.
Năm 2003, ông Phương tham gia tạo các cảnh cháy, nổ, chiến tranh khi làm phim Dưới cờ đại nghĩa của đoàn phim đạo diễn Tường Phương. Những cảnh hành động ấn tượng trong bộ phim này, kể cả những cảnh khó như cảnh 8 trái lựu đạn nổ bùm dưới sông, ghe xuồng bị lật hết mà ông Phương vẫn đảm bảo an toàn cho diễn viên. Nổi tiếng từ đó, ông càng dấn sâu vào nghề và mày mò sáng tạo các cách cháy, nổ, tạo khói lửa và các loại súng sử dụng đạt hiệu quả hình ảnh theo yêu cầu của các đoàn phim.
Còn đạo diễn Xuân Phước chia sẻ, ông Phương cũng có vài năm làm chủ nhiệm hãng phim của anh cũng như tham gia làm hiệu ứng cháy, nổ cho vài clip ca nhạc. "Lần nào ông cũng đều làm rất cẩn thận, kỹ tính, tránh cho diễn viên những rủi ro. Tôi nhớ có lần quay cảnh nổ tạo cột nước rất lớn ở hồ Bửu Long, ông Phương đặt 400 gram thuốc nổ dưới mặt nước và cho nổ để tạo cột nước bốc lên rất cao. Khi đó diễn viên được đặt xa hàng chục mét, đảm bảo an toàn mà hiệu ứng hình ảnh tốt", Xuân Phước kể.
Diễn viên Trương Ngọc Ánh cũng cho biết, khi quay phim Áo lụa Hà Đông, các cảnh cháy nổ trong phim đều được ông Phương kiểm tra, đảm bảo an toàn để diễn viên yên tâm trước khi bước vào cảnh quay. Dù có êkíp hỗ trợ nhưng ông thường đích thân đi kiểm tra từng kíp nổ.
Nhưng sự cẩn trọng không phải lúc nào cũng mang đến an toàn. Công việc của Lê Minh Phương từng gặp nhiều sự cố, gây ra tai nạn trên phim trường.
Trong phim Cù lao mây, em trai của diễn viên Quyền Linh là Quyền Lộc từng bị chất nổ thật do ông Phương tạo ra hất tung từ trên ghe xuống sông và bất tỉnh nhân sự. Bản thân Quyền Linh cũng vài lần bị thương nhẹ nhưng cũng đủ "hoảng hồn hoảng vía" vì kíp nổ do ông Phương đặt trong cảnh bắn súng, cảnh chiến tranh nổ không đúng mong đợi. Quyền Linh nhớ lại có những lần đáng lẽ kíp nổ sẽ "bùm" phía trước để diễn viên còn kịp chạy thì lại "bùm" phía sau khiến cho anh không kịp trở tay.
Người trong nghề còn truyền tai nhau chuyện một diễn viên từng bị hỏng mắt vì vụ nổ trong phim Đô la trắng của đạo diễn Trần Cảnh Đôn mà ông Phương hợp tác làm hiệu ứng.
Gần đây, khi quay bộ phim Trò chơi định mệnh do hãng phim của ông đầu tư sản xuất, một trận cháy nổ do "Phương khói lửa" sắp đặt trên phim trường khiến nhiều người trong đoàn phim bị thương.
Có diễn viên phàn nàn họ suýt mất mạng vì những sự cố cháy nổ mà ông Phương sắp đặt bị lỗi kỹ thuật trên phim trường.
Đạo diễn Tường Phương cũng kể chuyện, khoảng một năm trước, "Phương khói lửa" từng tìm đến ông với cánh tay bị trầy trụa. Chuyên viên này kể chuyện quay cảnh nổ trong nhà không thành công, tiếng nổ làm cho bể kính, tuy không gây ra sự cố nghiêm trọng nhưng cũng làm người bị thương.
"Lúc đó anh Phương buồn lắm. Anh tâm sự nghề này đã khó khăn, nguy hiểm giờ bị chuyện sợ người ta đồn thổi lên, không tin tưởng vào anh ấy nữa. Tôi cũng an ủi anh nhiều. Tôi khuyên anh cứ bình tĩnh mà làm. Tôi nói tôi vẫn tin anh vì ai cũng hiểu cái khó của nghề này và bản thân anh Phương cũng cẩn trọng, làm việc đàng hoàng, chuyện sự cố xảy ra thì ngoài ý muốn mà thôi", đạo diễn Tường Phương nói.
Vào đêm thảm họa cháy nổ xảy ra, ông Lê Minh Phương vừa rời phim trường Hồn đá vì một cảnh quay phải dời lại do sự cố cascadeur bị thương ở chân. Theo người trong đoàn phim này kể, có thể ông đã mang đạo cụ là kíp nổ về nhà để chuẩn bị cho chuyến đi Vũng Tàu tạo hiệu ứng ở một bộ phim vào sáng hôm sau. Có ai ngờ được rằng, vụ nổ cuối cùng của người chuyên viên này lại cướp đi sinh mạng của chính ông, vợ con, người thân và cả những người vô tội khác.
Nghề này vừa nguy hiểm, cátxê lại không cao nên ông còn làm thêm nhiều việc khác khi mở công ty giải trí Lạc Việt. Một diễn viên quen biết và biết khá rõ về cuộc sống của ông Phương đã chia sẻ, do quá "máu lửa" với điện ảnh nên ngay cả khi không có tiền, ông Phương cũng sẵn sàng vay mượn của bạn bè để làm phim. Làm nhiều phim ca nhạc, quảng cáo, phim truyền hình... sản phẩm ra đều nhưng theo nguồn tin riêng, ông Phương vẫn không thể trả hết nợ. Đến khi ông qua đời, hãng phim của ông còn nợ cátxê diễn viên.
Ngoài những khúc mắc, khó khăn và gánh nặng của cuộc sống, nghề nghiệp như kể trên, ông Lê Minh Phương luôn được bạn bè, đồng nghiệp nhớ đến như con người hiền lành, đàng hoàng trong cư xử.
Đạo diễn Tường Phương chia sẻ, với ông, "Phương khói lửa" là người sống tình cảm, thương con. "Tôi rất quý sự nhẫn nhục của ảnh. Trên phim trường, đạo diễn dù có cộc tính thế nào, ảnh cũng cười hiền rồi từ từ làm lại nếu có sai sót", ông nói. Diễn viên Hồng Ánh, nhà sản xuất của phim Đường đua mà ông Phương làm chuyên viên về các hiệu ứng trong cảnh bắn súng cũng chia sẻ, chị nhớ về ông như một con người hiền lành, chịu khó tìm tòi, mày mò học hỏi trong nghề của mình. Đường đua là một phim nhựa cuối cùng mà ông Phương hợp tác trước khi qua đời vì tai nạn.
Cascadeur Bùi Văn Hải cho biết anh cũng quý tính tình điềm đạm, từ tốn và hiền lành của ông Phương.
Dẫu vậy, nhiều người vẫn chia sẻ thái độ phẫn nộ cùng thắc mắc vì sao một người có nhiều kinh nghiệm khi tiếp xúc với hóa chất, thuốc nổ như ông Phương lại thiếu thận trọng khi đem những đạo cụ nguy hiểm này về nhà riêng, nơi có người thân và những người vô tội đang sống.
Cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra vụ việc gây ra đại tang. Tuy chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ nổ, người trong giới phim ảnh vẫn xem đây là bài học phải trả giá quá đắt để gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng, quản lý và cất giữ chất nổ hoặc đạo cụ dưới dạng vũ khí phục vụ cho phim trường.
Chi Mai
* Xem thêm trên Ngoisao.net: