Ngày 19/3, thầy Lê Tuấn Cường, giáo viên Toán trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội), đăng lên Youtube video ca khúc "Nguyên hàm" - nội dung trong chương trình Toán lớp 12, theo thể loại rap. Ca khúc do thầy sáng tác và thể hiện, giúp học sinh biết chính xác khái niệm "nguyên hàm", có ví dụ cụ thể.
Thầy Cường chia sẻ học sinh đều hiếu động, thích học trên lớp vì có sự giao tiếp trực tiếp giữa thầy và trò, bài học cũng trở nên dễ hiểu hơn. Do thầy trò phải dạy học online trong đại dịch, việc giao tiếp chỉ qua màn hình máy tính khiến các em mất tập trung, xao nhãng và không hứng thú. Thầy Cường nghĩ nhất định phải có nhiều hình thức giảng dạy mới để thu hút học sinh.
"Tôi thích hát rap và tập sáng tác từ lâu. Học sinh lại rất thích âm nhạc và nhanh thuộc lời bài hát. Vậy tại sao tôi không chuyển thể kiến thức Toán học khó nhằn thành những bài rap hay ho nhỉ", thầy Cường đặt câu hỏi và bắt đầu lên ý tưởng cho bài rap "Nguyên hàm".
Từ khi bắt được nguồn cảm hứng, thầy giáo Toán chỉ mất 30 phút để cho ra đời ca khúc. Cùng với những bài đã sáng tác trước đó như "Dấu của nhị thức bậc nhất", "STEAM", các ca khúc về quy tắc ứng xử, giá trị cốt lõi trong trường học, thầy Cường hy vọng học sinh sẽ thích thú, ghi nhớ kiến thức dễ dàng, thêm yêu môn Toán và bớt nhớ trường lớp hơn.
Ngoài sáng tác rap, trong đợt nghỉ để phòng chống Covid-19, thầy Cường còn sáng tạo nhiều phương pháp nhằm đưa bài giảng đến với học sinh dễ hơn như sử dụng công cụ MS Teams của Microsoft trong giảng dạy và tương tác với học sinh, lập trang Youtube mang tên KeyMathVN để đăng các bài giảng. Học sinh có thể xem video nhiều lần cho đến khi hiểu bài.
"Tôi áp dụng mô hình học tập Lớp học đảo ngược, học sinh có thể xem video hoặc slide bài giảng trước giờ học, chủ động tìm kiếm tư liệu cho phần lý thuyết. Toàn bộ thời gian học online sẽ dành cho giải bài tập, ứng dụng lý thuyết bài giảng vào giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm", thầy Cường chia sẻ.
Dạy thể dục cho học sinh trung học ở trường Phổ thông liên cấp Edison (Hưng Yên), thầy Trần Đức Quyền trăn trở làm sao để giúp học sinh vận động thường xuyên trong bối cảnh chỉ ở trong nhà, không có bạn bè hay sân chơi bãi tập.
"Nếu cứ mãi ở trong bốn bức tường, làm bạn với chiếc iPad hay máy tính mà không vận động, học sinh có nguy cơ bị thừa cân, béo phì, sức khỏe thể chất và tinh thần đều giảm", thầy Quyền nói trong buổi họp với hai thành viên còn lại của tổ thể thao khối trung học.
Thầy Quyền quyết định đưa thử thách liên quan đến các bài tập vận động cho học sinh. Thầy sẽ thực hiện động tác, quay video và đăng lên Fanpage của trường và trang Facebook cá nhân, sau đó thách đố học sinh. Thầy Quyền ra sân bóng của trường thực hiện ngay động tác Plank trong 2 phút. Động tác này đơn giản, không cần nhiều không gian, dụng cụ hay quần áo tập, cũng không cần phải có người chơi cùng như bóng đá hay bóng rổ.
Video thử thách của thầy Quyền nhanh chóng thu hút sự tham gia của học sinh, giáo viên và phụ huynh. Nhiều người chỉ plank được 30 giây, 60 giây nhưng hứa sẽ tập trong những ngày tiếp theo cho đến khi đạt hai phút. Nhiều gia đình gửi lại cho trường những video plank có sự tham gia của bố và con hay bà và cháu.
Thầy Quyền cùng giáo viên tổ thể thao lên những ý tưởng mới, xây dựng video hướng dẫn tổ hợp động tác tập trong nhà và đăng lên cho học sinh làm theo. "Video bài tập với những động tác cơ bản trên Internet rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều động tác khó thực hiện trong không gian hẹp hoặc không gây hứng thú. Vì vậy, chúng tôi cần cải biên, dễ thực hiện ở nhà hơn", thầy Quyền nói.
Từ đó, những tổ hợp động tác mới ra đời gắn với đồ vật trong nhà như chiếc ghế hay cầu thang. Ví dụ, học sinh sẽ đi bộ lên cầu thang, đến đoạn chiếu nghỉ thì nhảy lên với một điểm vô hình, sau đó đi bộ xuống, lại bật nhảy rồi đi lên; hay đơn giản hơn chỉ là bật nhảy lên xuống một bậc cầu thang.
Cũng ở trường Edison, cô Nguyễn Thị Hương Ly sáng tạo ra nội dung mới để dạy online môn Kỹ năng sống cho học sinh. Cô Ly kể do nghỉ dài ngày, tâm lý học sinh có nhiều thay đổi. Nhiều em chia sẻ nhớ trường lớp, buồn chán khi phải ở nhà một mình. Cô Ly và đồng nghiệp lên kế hoạch, thay đổi toàn bộ khung chương trình ban đầu để gỡ khó cho học sinh.
Thay vì các tiết dạy kỹ năng mềm như thông thường, cô Ly phối hợp với phòng Tâm lý học đường tìm hiểu tâm tư học sinh, đưa vào nội dung "Nâng cao sức khỏe tinh thần mùa dịch". Thấy nhiều em khó khăn trong việc thiếu tương tác, lịch trình sinh hoạt bị đảo lộn, cô dạy bài "Kỹ năng quản lý thời gian trong mùa dịch", tăng cường hướng dẫn học sinh cách nấu ăn và yêu cầu cùng nấu ăn với bố mẹ, ghi hình và gửi lại. Đây là cách làm nhằm tăng tương tác trong gia đình.
Cô Ly cho biết thêm, nhằm đáp ứng yêu cầu dạy online, cô tăng phần bài tập để học sinh tận dụng khả năng sáng tạo. Ví dụ, cô Ly cung cấp website chính thống về Covid-19 như của WHO, Bộ Y tế để học sinh tìm thông tin số ca nhiễm, tình hình hiện tại, biện pháp phòng tránh, rồi yêu cầu thiết kế truyện tranh, đồ họa, poster, video để truyền tải nội dung tìm hiểu được đến cho mọi người.
"Tôi và đồng nghiệp cũng tạo ra những trò chơi theo dạng tìm hiểu kiến thức cho các em trên các ứng dụng như Zoom, Skype. Học sinh có thể vừa tương tác, vừa làm bài tập online một cách thoải mái", cô Ly nói. Sau mỗi lần giao bài tập, cô Ly nhận lại những hình ảnh, sản phẩm sáng tạo đến ngạc nhiên của học sinh. Với cô, nó ý nghĩa hơn cả những bài kiểm tra đánh giá thông thường.
Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết, sau đó nghỉ phòng Covid-19. Một tháng rưỡi qua, các địa phương 5-6 lần điều chỉnh lịch nghỉ học. Hà Nội và TP HCM cho toàn bộ học sinh nghỉ đến 5/4, các tỉnh thành khác đa số cho nghỉ hết tháng 3, riêng học sinh THPT ở khoảng 30 địa phương đi học từ ngày 2/3.
Đến hôm nay, Covid-19 đã xuất hiện tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 250.000 người nhiễm bệnh, trong đó 10.200 người chết. Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh tăng lên 91, trong đó 17 người khỏi hoàn toàn và chưa ai tử vong.