Trong giờ ra chơi sáng 4/11, thầy Nguyễn Văn Trường, Tổ phó bộ môn Toán - Hóa - Sinh, THCS Thụ Hậu, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tranh thủ về văn phòng, mở máy tính ra duyệt bài cho giáo viên trong tổ, sau đó bổ sung thêm một số kiến thức cho bài giảng của mình trong tuần tới.
Bốn năm trước, thầy Trường khó làm các công việc này cùng một lúc. Bởi soạn hoặc bổ sung thêm kiến thức cho các bài giảng thường phải làm ở nhà. Lúc sai sót khó lòng xử lý ngay tại trường, phải sửa và đi in lại bản mới, mất rất nhiều thời gian. Nay mọi việc được giải quyết trong vài phút với "Phân hệ quản lý, điều hành tác nghiệp giáo án điện tử" do Hiệu trưởng Đặng Hữu Tường viết.
Phần mềm được xây dựng tại ứng dụng web-base, phát triển trên nền tảng công nghệ IBM, với nhiều chức năng như: quản lý giáo án, lịch công tác, tin tức nội bộ, quản lý phép... Đây là một văn phòng ảo kết nối các đơn vị, phòng ban, tổ nhóm với mục đích truyền thông nội bộ, giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc, giảm chi phí hoạt động, là công cụ điều hành trực tuyến và làm việc từ xa.
"Hệ thống rất tiện dụng, chỉ cần khoảng 5 phút là biết cách tiếp cận. Nó giúp giáo viên và tổ trưởng bộ môn phát hiện được những cái chưa đạt được để điều chỉnh kịp thời. Nhiều lúc gặp Hiệu trưởng, tôi và các giáo viên trong trường đùa rằng: 'thầy là nhà sáng chế tuyệt vời' để bày tỏ sự biết ơn", thầy Trường nói.
Thầy Đặng Hữu Tường, Hiệu trưởng THCS Thụ Hậu chia sẻ, sáng tạo trên không có gì to tát, chỉ xuất phát từ suy nghĩ làm điều gì đó để các giáo viên tiết kiệm chi phí in ấn, nhàn rỗi hơn trong quá trình chuẩn bị giáo án; bên cạnh đó góp phần cho quá trình số hóa trong ngành giáo dục ngày càng đạt hiệu quả cao.
Thầy Tường là thạc sĩ Quản lý giáo dục, học ngành Toán - Lý tại Đại học Hà Tĩnh, từng đứng lớp dạy hai bộ môn trên tại các trường THCS trong tỉnh. Đam mê tin học, thầy giáo từng ấp ủ dự định nghiên cứu, viết phần mềm soạn giáo án để giảm tải đầu việc cho mình và đồng nghiệp, song giai đoạn còn đi dạy, do không bố trí được thời gian nên chưa thể thực hiện. Từ lúc lên làm quản lý, thầy giáo tranh thủ tìm đọc lại tài liệu để hoàn thiện dự định dang dở.
Dịp nghỉ hè năm 2018, thầy ra Hà Nội thuê phòng trọ, đăng ký học thêm về lập trình, nhờ các kỹ sư và bạn bè chỉ dạy. Thầy Tường cho hay, trước kia chỉ tìm hiểu tin học ứng dụng, còn phân hệ chỉ học sơ qua. Ban đầu khi ôn lại các kiến thức cũng có chút bỡ ngỡ, sau một tháng, khi đã nắm vững, thầy về nhà dành thời gian để viết phần mềm soạn giáo án.
"Ban ngày bận việc ở trường, tối tranh thủ 4-5 tiếng để nghiên cứu. Nhiều hôm tôi thức trắng, mày mò làm lục cục cả đêm. Trong hai tháng đầu, tôi viết được khoảng 50%, sau đó đưa vào sử dụng và hoàn thiện dần từ đầu năm học 2019-2020. Tổng chi phí làm phần mềm hết khoảng 50 triệu đồng", thầy Tường nói.
Thầy Tường kể, hôm đầu tiên đưa phần mềm ra phổ biến cho giáo viên trong trường, thầy đã rất hồi hộp, lo lắng không biết mọi người đón nhận đứa con tinh thần của mình ra sao. Khi thấy hàng chục đồng nghiệp cùng đưa ra nhiều đánh giá chung "rất tốt và dễ dùng", thầy mới thở phào nhẹ nhõm.
Hiệu trưởng THCS Thụ Hậu ví phần mềm trên giống như hệ thống quản lý báo cáo điện tử. Giáo viên soạn bài giảng trực tiếp trên hệ thống hoặc tải file word lên. Theo phân cấp, tổ phó, tổ trưởng bộ môn sẽ đọc bài để góp ý. Nếu chưa đạt thì trả về để chỉnh sửa, bài đạt yêu cầu thì gửi lên cho lãnh đạo nhà trường duyệt.
"Trước kia, mỗi ngày một giáo viên mất khoảng 12.000 đồng cho việc in 4 bài giáo án ra giảng dạy. Trong một tuần, một người có thể mất 60.000 đồng tiền in ấn. Từ khi phần mềm được áp dụng, chi phí này không còn, thầy cô thoải mái hơn rất nhiều trong công tác chuyên môn", thầy Tường cho hay.
Hiện phần mềm do thầy Tường viết đã có 53 trường học trong và ngoài tỉnh đặt mua với giá 5 triệu đồng một hợp đồng. Hàng năm, các cơ sở giáo dục phải đóng thêm 5 triệu đồng tiền thuê bao cho nhà mạng để để duy trì hệ thống và tên miền. Thầy Tường cùng một giáo viên công nghệ trong trường chịu trách nhiệm hỗ trợ, nâng cấp, xử lý các sự cố của sản phẩm khi đối tác phản hồi.
Thầy Nguyễn Nam Thắng, Hiệu trưởng THPT Phan Đình Phùng cho biết: "Tôi thấy nó rất hữu dụng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong thời đại công nghệ 4.0, giúp giải phóng sức lao động cho giáo viên, tiết kiệm giấy mực", thầy Thắng cho hay.
Hôm 5/10, dự án "Phân hệ quản lý, điều hành tác nghiệp giáo án điện tử" của thầy Tường giành giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh lần thứ 11 ở hạng mục dành cho người lớn. Hiện sản phẩm đã gửi hồ sơ dự thi cấp quốc gia. Thầy giáo lên kế hoạch hoàn thiện, đồng bộ thêm nhiều tính năng cho phần mềm, đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, Trưởng ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, đánh giá giải pháp trên không thuộc lĩnh vực mới, song đáp ứng tốt tiêu chí về hiệu quả và khả năng áp dụng, có thể triển khai diện rộng, góp phần chuyển đổi số cho hoạt động giáo dục của tỉnh.