Cabin màu trắng có một cửa ra vào, phía trên gắn đèn xoay cảnh báo, được thiết kế khép kín bằng vật liệu nhôm, dài hơn 1,5 m, rộng gần 1m, cao 1,8 m. Phía dưới có bốn bánh xe, trong đó hai bánh cố định, hai bánh còn lại ở phía trước có thể gấp gọn khi móc nối với xe máy điện để di chuyển.
Trong cabin là ghế ngồi có thể điều chỉnh tư thế; hệ thống phun khử khuẩn hơi sương, quạt hút gió, đèn led chiếu tia cực tím; bình oxy cho tình huống có bệnh nhân nặng cần trợ thở. Xung quanh cabin còn được lắp các hệ thống đèn báo, phanh tay... Tổng trọng lượng cabin khoảng 80 kg, bao gồm cả bình chứa dung dịch khử khuẩn và bình ắc quy cho hệ thống điện.
"Ca bin được thiết kế như một buồng áp lực âm, đảm bảo chỉ có khí vào, không có khí ra để hạn chế vi khuẩn phát tán ra ngoài. Ngồi trong cabin không bị nóng", thạc sĩ Thủy, giảng viên Khoa Cơ khí, nói.
Thầy Thủy 52 tuổi, cao khoảng 1,6 m, dễ dàng dùng một tay kéo cabin di chuyển trong khuôn viên trường Đại học Bách khoa. Để chứng minh tính linh hoạt, thầy mất chừng 15 giây nâng gọn hai bánh trước và móc vào phần khung chế sẵn của xe máy điện và tiếp tục di chuyển gọn gàng với những khúc cua gấp.
Cabin có thể chở được tối đa 200 kg, có thể vừa vận chuyển bằng xe máy điện trong khuôn viên của các bệnh viện, vừa cơ động kéo bằng tay trong các hành lang. Chi phí để sản xuất sản phẩm ban đầu ước tính 60 triệu đồng, nếu sản xuất hàng loạt giá sẽ thấp hơn.
Quá trình chế tạo, thầy Thủy cũng được thạc sĩ Huỳnh Bá Vang, Khoa Cơ khí giao thông và các đồng nghiệp tư vấn, hỗ trợ thêm. Tuy nhiên khi thực hiện, do Đà Nẵng hạn chế tập trung đông người để chống Covid-19, thầy Thủy cho biết nhiều lúc phải lụi cụi một mình làm việc trong xưởng cơ khí của trường.
"Tôi đảm nhận tất cả khâu, vừa nghiên cứu, vừa chế tạo và lắp ráp từ phần cơ khí đến phần điện, hệ thống phun khử khuẩn, đèn điện; nhiều loại thiết bị phải đi tìm mua, đôi khi mua về không phù hợp lại phải thay thế nên thời gian dự kiến ban đầu là 15 ngày, nhưng thực tế mất một tháng mới xong", thầy Thủy kể.
Khó nhất khi làm cabin này là hệ thống cân bằng động, vì phải thiết kế đảm bảo khi xe chạy không bị rung lắc và ai cũng có thể điều khiển được. Thầy đã sử dụng phuộc nhún của xe Exciter, trục và bánh sau của xe Attila (liên quan hệ thống phanh). Do trục xe liền kề với hộp số nên mua về thầy phải chế lại.
Đây là cabin đầu tiên được thầy Thủy thực hiện, theo "đơn đặt hàng" của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Ngày 1/7, sản phẩm đã được bàn giao. "Thời gian tới, tôi sẽ điều chỉnh và cải thiện thêm hệ thống lọc không khí bằng màng lọc để đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn của ngành y tế", thầy Thủy nói.
Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, nói nhờ vận hành theo cơ chế áp lực âm nên khi sử dụng cabin vận chuyển bệnh nhân sẽ an toàn hơn. Trường hợp bệnh nhân nặng cần hỗ trợ thở oxy thì cabin đã thiết kế sẵn, ghế khi đó cũng được ngả về phía sau để bệnh nhân nằm thoải mái hơn.
"Buồng cabin cũng được khử khuẩn ngay sau khi sử dụng chỉ cần một nút bật công tắc. Mô hình sản phẩm này có thể nhân rộng và sử dụng ở những bệnh viện có khuôn viên rộng, di chuyển bệnh nhân ở những đoạn đường ngắn khó sử dụng xe cứu thương", ông Sỹ nói thêm.
Trong đợt dịch đầu tiên, tháng 3/2020, thầy và trò trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng chế tạo robot vận chuyển thức ăn phục vụ trong khu cách ly và bàn giao cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; sáng chế dung dịch rửa tay sát khuẩn và máy sát khuẩn tay tự động cho tuyến đầu chống dịch.