Tối 6/11, kết thúc sáu giờ điều khiển xe 16 chỗ đưa hơn 10 học sinh F0 huyện Nam Trà My xuống bệnh viện ở TP Tam Kỳ, thầy Phương (42 tuổi) trở về cách ly tại nhà riêng xã Trà Mai. Đây là chuyến xe thứ bảy, tính từ 29/10, được thầy thực hiện, đưa tổng cộng hơn 80 học sinh đi điều trị Covid-19.
Ngày 24/10, huyện Nam Trà My phát hiện ca mắc nCoV. Ba ngày sau, lực lượng y tế xét nghiệm sàng lọc ghi nhận hơn 200 người nhiễm, chủ yếu là học sinh. "Nam Trà My là huyện miền núi nghèo, 97% là đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn huyện có một xe cấp cứu, trong khi số lượng F0 nhiều", ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch huyện cho biết.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh điều động xe của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Bạn thương nhau TP Đà Nẵng chở bệnh nhân về các bệnh viện Tam Kỳ điều trị. "Tối 28/10, đoàn xe gồm 9 chiếc của tỉnh và Câu lạc bộ Bạn thương nhau chở 167 bệnh nhân", ông Dũng nói.
Sau lần chở này, địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, Câu lạc bộ Bạn thương nhau duy trì hai chiếc xe để vận chuyển bệnh nhân.
Anh Nguyễn Bình Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ, chia sẻ nếu chỉ dùng xe của huyện đưa hết F0 về thành phố thì phải chở rất nhiều lần. Mỗi ngày, huyện ghi nhận hàng chục học sinh mắc nCoV. Câu lạc bộ tìm người lái xe nhưng không ra, vì trên địa bàn huyện ít người có bằng lái xe 16 chỗ, một số người biết lái thì ngại tiếp xúc với F0.
Thầy Phương tình nguyện làm tài xế, vì đã có bằng lái hạng D và tiêm hai mũi vaccine. "Trong thời gian qua, nhiều người tự nguyện lái xe chở F0 đi điều trị. Họ mặc đồ bảo hộ và tuân thủ quy định phòng chống Covid-19 nên không bị lây nhiễm. Thậm chí có nhiều người chưa tiêm vaccine nhưng chở hàng trăm F0 vẫn không bị mắc nCoV", thầy Phương chia sẻ và nói mình đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nên không sợ.
Ban đầu, anh Nam không tán thành vì e ngại việc phải cách ly sau khi hết dịch sẽ ảnh hưởng đến công việc của thầy, nhưng thầy Phương thuyết phục bằng cách gửi đơn gửi đến lãnh đạo Phòng Giáo dục, đề đạt nguyện vọng và cam kết tuân thủ quy định. "Sau nhiều lần thầy Phương thuyết phục, tôi mới ủng hộ", anh Nam kể.
Biết chồng xung phong chở F0, vợ thầy Phương - giáo viên Phan Thị Hồng Vân, trường PTDT bán trú Tiểu học Trà Tập - lo lắng. Song cô Vân hiểu được việc chồng làm là cần thiết.
"Chồng có khả năng làm được thì nên làm, vì để học sinh chuyển xuống bệnh viện chậm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe", cô Vân nói và chia sẻ với việc làm của chồng.
Tối 29/10, thầy Phương nhận xe, mặc đồ bảo hộ y tế, cầm lái chuyến đầu tiên chở 13 học sinh PTDT nội trú Nam Trà My. Sau bốn giờ vượt qua cung đường quốc lộ 40B nhỏ hẹp, dài 130 km qua núi rừng, dốc, ngoằn ngoèo đến TP Tam Kỳ lúc 22h. Thầy bàn giao bệnh nhân cho bệnh viện, xe được phun khử trùng, trở về huyện Nam Trà My lúc đã 2h sáng.
Thầy Phương là con đầu trong gia đình có 5 anh chị em ở thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My. Năm 1998, thầy tốt nghiệp ngành tiểu học (Đại học Quảng Nam) lên huyện Nam Trà My công tác. Từ năm 2016, thầy làm hiệu trưởng PTDT bán trú Tiểu học Trà Tập.
Mỗi chuyến xe không có thời gian cụ thể, nhận được thông tin của lực y tế là thầy Phương có mặt. 9 ngày qua, trong thời tiết mưa lớn, đường sạt lở đất, thầy chạy tổng quãng đường gần 2.000 km; có ngày hai chuyến.
Trong quá trình di chuyển, bàn giao học sinh cho bệnh viện, đến bữa ăn thầy Phương được người trong Câu lạc bộ Bạn thương nhau hỗ trợ cơm nước. Họ mang cơm, giao nhận ở chỗ vắng vẻ rồi thầy dừng xe, ngồi bệt bên lề ăn; ngày nào trời mưa thì ăn luôn trong xe.
Từ ngày thầy lái xe chở F0, nhà có hai phòng được phân chia. Vợ ở một phòng, chồng ở một phòng giữ khoảng cách. Đến bữa ăn, vợ lo cơm nước và đặt trước cửa gọi chồng ra lấy.
"Mỗi lần đưa xe đến trường đón học sinh tôi thấy đồng nghiệp của mình mặc từng bộ áo quần bảo hộ, xếp áo quần, bỏ gói bánh và dặn dò học sinh cố gắng điều trị khỏi bệnh. Nhìn từng cánh tay giờ lên vẫy chào tạm biệt trước khi xe lăn bánh mà không cầm được nước mắt", thầy Phương kể.
Huyện Nam Trà My có 10 xã nằm phía tây nam tỉnh Quảng Nam, trên ngã ba giáp ranh với Quảng Ngãi và Kon Tum. Từ 24/10 đến nay, địa phương ghi nhận 336 ca mắc Covid-19, chủ yếu là học sinh. Hiện ổ dịch đã được khống chế.