Hiệp hội tâm lý học Mỹ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những thắc mắc này.
1. Người đồng tính là gì?
Đồng tính (Lesbian, Gay) là người có cảm giác hấp dẫn về tình cảm, thể chất với người cùng giới.
2. Người song tính là gì?
Song tính (Bisexsual) là người có cảm giác hấp dẫn về tình cảm, thể chất với cả hai giới.
4. Người dị tính là gì?
Dị tính là người có cảm giác hấp dẫn về tình cảm, thể chất với người khác giới.
5. Người chuyển giới là gì?
Chuyển giới (Transgender) là trạng thái khi một người có giới tính sinh học không trùng với bản dạng giới hay thể hiện giới của họ (ví dụ có cơ thể là nam và nghĩ mình là nữ, hoặc bề ngoài như nữ). Người chuyển giới liên quan tới việc người đó nhận dạng hoặc thể hiện mình là nam hay nữ, trong khi người đồng tính lại liên quan tới việc người đó yêu người cùng giới hay khác giới.
6. LGBT là gì?
LGBT là viết tắt tiếng Anh của người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (Lesbian, Gay, Bisexsual và Transgender).
7. Đồng tính có phải là một bệnh, rối loạn tâm lý hay vấn đề về cảm xúc hay không?
Không. Các nhà tâm thần học, tâm lý học và chuyên gia sức khỏe tâm thần đã đồng ý với nhau rằng đồng tính không phải là bệnh, rối loạn tâm lý hay vấn đề cảm xúc.
Hành vi dị tính hay hành vi đồng tính đều là những khía cạnh bình thường của tính dục con người. Cả hai đều được ghi nhận trong các nền văn hóa và giai đoạn lịch sử khác nhau. Hàng thập kỷ nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đều đi đến kết luận rằng đồng tính, dị tính hay song tính đều là điều bình thường, tự nhiên của con người. Các tổ chức y học, sức khỏe tâm thần đều lần lượt không còn xem đồng tính là một bệnh hay rối loạn tâm lý nữa.
8. Làm sao để một người biết mình là đồng tính hay song tính?
Về cơ bản, người ta có thể không quan hệ tình dục mà vẫn biết xu hướng tính dục của mình - thích người cùng giới, khác giới hay cả hai.
Mỗi người đồng tính và song tính cũng có trải nghiệm rất khác nhau. Có người biết mình là đồng tính hoặc song tính từ lâu, sau đó mới có quan hệ yêu đương, tình dục. Có người lại có quan hệ tình dục trước (với những người cùng giới hay khác giới) rồi mới tự xác định xu hướng tính dục của mình. Định kiến và phân biệt đối xử khiến nhiều người chối bỏ xu hướng tính dục của mình, vì thế việc nhận ra bản thân là đồng tính hay song tính có thể là một quá trình diễn ra từ từ.
9. Có cách nào để một người đồng tính trở thành dị tính không?
Tất cả tổ chức lớn về sức khỏe tâm thần đều đã cảnh báo chính thức về những cái gọi là “liệu pháp thay đổi xu hướng tính dục”. Không có một liệu pháp nào chứng minh những biện pháp này là an toàn và hiệu quả. Các lời khuyên thường nghe như tập chơi các môn thể thao với đồng tính nữ hay cố gắng không tiếp xúc với người cùng giới, đều là những lời khuyên không dựa trên cơ sở khoa học.
10. Người đồng tính nữ, đồng tính nam và người song tính có thể là những ông bố, bà mẹ tốt không?
Có. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có sự khác biệt nào trong quá trình phát triển của nhóm trẻ em do các phụ huynh là người đồng tính nuôi dạy với nhóm trẻ em có phụ huynh là người dị tính, dựa trên cả bốn yếu tố quan trọng là: trí thông minh của trẻ, sự biến chuyển tâm lý, sự thích nghi với xã hội, và mức độ hòa nhập với bè bạn. Một điều quan trọng cần biết nữa là xu hướng tính dục của người bố hay người mẹ không quyết định được xu hướng tính dục của đứa con. Cha mẹ đồng tính không có nghĩa là con cái cũng sẽ đồng tính, bởi vì cũng giống như cha mẹ dị tính không có nghĩa con cái họ cũng sẽ dị tính.
11. Có phải tất cả những người đồng tính và song tính nam đều nhiễm HIV?
Không. Đó chỉ là ngộ nhận hoang đường của nhiều người. Trong thực tế, nguy cơ nhiễm HIV liên quan đến hành vi của một người, chứ không liên quan đến xu hướng tính dục của người đó. Mọi hành vi quan hệ tình dục không an toàn, dù là cùng giới hay khác giới, đều nguy hiểm như nhau. Điều quan trọng cần nhớ về HIV/AIDS là bạn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách luôn luôn quan hệ tình dục an toàn, cũng như không sử dụng các chất ma túy.
Nguyễn Phượng