Hà cùng 40 người khác đại diện cho cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới) tham dự hội thảo lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình, sáng 17/9 tại Hà Nội. Hà tâm sự, kể cả khi dự thảo không được thông qua điều khoản thừa nhận hôn nhân đồng tính, cô "vẫn không bỏ cuộc vì luôn muốn có một cơ hội để yêu thương".
Hà rất vui vì hôm nay cô không còn đơn độc nữa mà có rất đông bạn đến và cùng lên tiếng bảo vệ hạnh phúc, quyền chính đáng của bản thân. Chia sẻ mong ước được pháp luật thừa nhận giới tính với các quyền nhân thân như người bình thường, cô gái trẻ cho biết: "Nếu dự thảo được thông qua, việc đầu tiên tôi làm là tham dự đám cưới của bạn bè mình, những người trong cộng đồng LGBT".
Chu Thanh Hà hiện là thành viên nhóm 6+, nhóm hoạt động vì hình ảnh tích cực của LGBT. Tâm sự này của Hà được rất nhiều người cùng giới chia sẻ.
Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cấm những người cùng giới tính kết hôn. Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình đã được Bộ Tư pháp trình quốc hội hôm 13/8, không đề cập đến việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Theo đó, quy định về giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, về cơ bản cũng giống như giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Lê Văn Cường, hiện làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, cho biết, dự thảo này đã cởi mở hơn “và được xem là một bước tiến lớn”. Điều Cường mong muốn hơn cả là cuối ngày được trở về ngôi nhà nơi có người mình yêu thương: “Để quan tâm, chăm sóc cho người ấy như bao người dị tính khác vẫn làm mà không sợ ánh mắt kỳ thị, dị nghị của mọi người”.
Anh cho rằng pháp luật không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục. Pháp luật cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung.
“Mong rằng Quốc hội sẽ công nhận quyền hôn nhân đồng giới, hoặc ít nhất cho phép được đăng ký chung sống như vợ chồng với tất cả quyền lợi về tài sản cũng như pháp lý giống như những người dị tính”, Cường chia sẻ.
Còn Lê Phương Trang, sinh viên mới tốt nghiệp, đưa ra thông điệp: “Những người như chúng tôi cũng là đứa con của gia đình và xã hội. Vì vậy, mong mọi người hãy tạo điều kiện để chúng tôi được cống hiến cho đất nước”.
Trang rất cởi mở, muốn được sống thật với giới tính của mình, nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của gia đình. Người thân xem cô là bệnh hoạn, không thể chấp nhận. Trang quyết định sống tự lập, tự đứng lên bằng đôi chân của mình và khẳng định dù thế nào vẫn có thể tự lo cho bản thân và người cô yêu.
Dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật hôn nhân gia đình được xem là thay đổi lớn trong đời sống xã hội Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá, diễn biến này là nhờ sự thay đổi trong chính cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới. Nếu như trước đây, họ sống e dè, khép mình trong vỏ bọc, không dám thể hiện bản thân thì giờ đây đã tự tin bước ra ánh sáng, tự tin khẳng định mình là ai, sống như thế nào...
“Hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Do đó, việc thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau với lộ trình, bước đi phù hợp”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.
Dự luật Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2014.
Thế Đan