![hiep-dong-tac-chien-trong-tam-dien-tap-tren-bien-cua-trung-quoc](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/12/21/1-5938-1450669966.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=U3CGRUZ_g-CRdyeNmdkc2A)
Tàu chiến Trung Quốc tham gia một cuộc diễn tập trên biển. Ảnh: 81.cn
Hồi tuần trước, tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, đăng tải thông tin cho biết hải quân nước này vừa tổ chức một đợt diễn tập quy mô lớn trên Biển Đông với sự tham gia của ít nhất ba tàu chiến hiện đại, cùng với các tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm, chiến đấu cơ và nhiều lực lượng liên quan khác.
Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumdar của National Interest, các cuộc chiến tranh lớn trong tương lai nếu xảy ra sẽ đòi hỏi trình độ hiệp đồng tác chiến hải lục không quân cao hơn trên một khu vực tác chiến rộng lớn hơn hiện nay rất nhiều. Mục đích của cuộc diễn tập là kiểm tra khả năng hiệp đồng tác chiến của PLAN.
"Chiến tranh ngày nay rất giống với việc bạn đấm đối phương nhưng tay mình cũng bị đau, không hề dễ dàng chút nào", đô đốc Li Yan, phó tham mưu trưởng hạm đội Nam Hải của PLAN, cho biết. "Đây mới chính là cảm giác thực của chiến trận. Chỉ có luyện tập trong các tình huống khó khăn trong thời bình mới có thể sẵn sàng cho thời chiến mà không hoảng sợ", ông này nhấn mạnh.
Theo đó, đợt diễn tập trên diễn ra trên một khu vực "rộng hàng nghìn km vuông" không được tiết lộ vị trí cụ thể ở Biển Đông. Theo nhận định của ông Majumdar, để có thể luyện tập trên một khu vực rộng lớn như vậy, các tàu chiến và máy bay Trung Quốc phải có khả năng hiệp đồng rất cao.
Soái hạm tham gia đợt diễn tập này là tàu khu trục tên lửa lớp Type 052C Lan Châu, một trong những tàu chiến hiện đại nhất hiện nay trong hải quân Trung Quốc. PLAN cho biết trong cuộc diễn tập, hải quân Trung Quốc đã sử dụng rộng rãi hình thức liên lạc bằng bức xạ điện từ để kết nối các máy bay, tàu chiến và trạm radar.
"Thông tin tình báo về lực lượng của đối phương được máy bay cảnh báo sớm, tàu chiến và trạm radar ven bờ thu thập, truyền đến phòng tác chiến trên soái hạm Lan Châu. Các sĩ quan trên tàu đối chiếu các thông tin và cập nhật theo thời gian thực lên bản đồ tình huống chiến trường", tờ báo viết.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Type 052C Lan Châu chính là chiếc tàu chiến đã bám theo tàu USS Lassen của Mỹ đi qua khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Subi của Việt Nam hồi tháng 10.
Tàu khu trục lớp Type 052C là loại tàu chiến do Trung Quốc tự chế tạo. Tàu này sử dụng 4 radar mảng pha đa năng AESA, có thể bao quát được 360 độ xung quanh tàu và hỗ trợ cho các tên lửa phòng không tầm xa phóng thẳng đứng HHQ-9. Các chuyên gia quân sự đánh giá Type 052C là tàu chiến đầu tiên của hải quân Trung Quốc có khả năng phòng không tầm xa thực sự.
Theo giới phân tích, có vẻ như trong đợt diễn tập này PLAN cũng đã tích hợp rộng rãi các hình thức tác chiến điện tử. Theo mô tả, môi trường tác chiến nơi cuộc diễn tập diễn ra chứng kiến các hình thức gây nhiễu và tấn công điện tử rất mạnh của đối phương. Tình huống giả định đặt ra trong cuộc diễn tập là tín hiệu từ máy bay cảnh báo sớm bị gây nhiễu, khiến "việc truyền tải dữ liệu bị gián đoạn, không thể hỗ trợ được về tình báo", thậm chí luồng thông tin giữa các lực lượng hoàn toàn bị tác chiến điện tử của đối phương "ngăn chặn hoàn toàn".
Hậu quả của các cuộc tấn công điện tử và gây nhiễu này là soái hạm Lan Châu cùng lực lượng đặc nhiệm của nó không thể thực hiện được vai trò chỉ huy tác chiến và hoàn toàn bị "tê liệt" sau một thời gian ngắn tham chiến.
![hiep-dong-tac-chien-trong-tam-dien-tap-tren-bien-cua-trung-quoc-1](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/12/21/2-2505-1450669967.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Mcbh7mmyfuL0puFuX0-VIw)
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Lan Châu của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia
Ngay sau khi tàu Lan Châu bị vô hiệu hóa, tàu hộ tống lớp 054A Lâm Nghi đã lập tức nắm quyền chỉ huy tác chiến và điều phối các lực lượng khác. Thông tin về cuộc diễn tập cho thấy tàu chiến của PLAN có thể đã hiệp đồng tác chiến cùng với tàu ngầm và máy bay từ nhiều hướng khác nhau. Hải quân nước này cho hay cuộc diễn tập kết thúc khi các tàu chiến của đối phương bị "hạ gục" hoặc "đánh đắm".
Theo Sputnik, có vẻ như các tướng lĩnh hải quân Trung Quốc muốn cuộc diễn tập diễn ra càng sát với thực tế càng tốt, bởi các tàu chiến và máy bay nước này đều phụ thuộc rất lớn vào khả năng kết nối mạng lưới, một khả năng mới được quân đội Trung Quốc cải thiện trong thời gian gần đây.
Theo ông Majumdar, một trong những điểm yếu "chết người" của quân đội Trung Quốc là khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các quân binh chủng, đặc biệt là giữa hải quân và không quân, do đặc thù của cấu trúc chỉ huy. Đây được coi là một trong những lý do khiến Chủ tịch Tập Cận Bình phải đẩy nhanh kế hoạch cải tổ quân đội, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chỉ huy kiểu Mỹ, nâng cao khả năng kết nối, phối hợp giữa các lực lượng khác nhau.
![hiep-dong-tac-chien-trong-tam-dien-tap-tren-bien-cua-trung-quoc-2](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/12/21/quandoi-9751-1450695412.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m4ke7RypUQjcEzpw5OVXDQ)
Diện mạo kiểu mới của quân đội Trung Quốc (chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành
Cuộc diễn tập hiệp đồng tác chiến quân binh chủng này được tổ chức chưa đầy 30 ngày sau khi hải quân Trung Quốc thực hiện một cuộc diễn tập chống ngầm quy mô lớn. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang trở nên căng thẳng, sau khi một chiếc B-52 của Mỹ "vô tình" bay vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Châu Viên thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc đã giận dữ lên tiếng phản đối chuyến bay này của B-52 Mỹ và cáo buộc rằng đây là hành động "khiêu khích quân sự nghiêm trọng".
"Các bạn có thể thấy rằng PLAN đã tích hợp các tình huống tác chiến điện tử và chiến tranh thông tin vào tất cả các cuộc diễn tập trong những năm gần đây, chứng tỏ hải quân rất chú trọng vào việc xây dựng năng lực tác chiến thông tin mạnh", một chuyên gia hải quân giấu tên của Trung Quốc nhận định trên PLA Daily.
Trí Dũng