"Hiệp định Paris được ký cách đây tròn nửa thế kỷ kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ngày 17/1 phát biểu trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Ông Sơn đánh giá Hiệp định Paris là "thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới" để toàn quân, toàn dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam.
"Hiệp định Paris không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam mà còn đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ và công lý", ông Sơn nói, đồng thời cho biết phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chính nghĩa của nhân dân Việt Nam phát triển mạnh mẽ trên thế giới, trở thành biểu tượng của thời đại và tiêu biểu cho lương tri loài người.
Bộ trưởng nhận định Hiệp định Paris là "pho sách quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao của Việt Nam", với nhiều bài học giá trị và một số trở thành triết lý, quan điểm xuyên suốt trong đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Theo ông Sơn, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam hết sức trân trọng giá trị hòa bình, đề cao và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Ông cũng khẳng định Việt Nam chân thành và thủy chung với bạn bè quốc tế, cũng như đóng góp hết sức vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ trên toàn thế giới.
Tại lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, cho biết từ cuối năm 1968, bà nhận chỉ thị thực hiện "trọng trách to lớn" tham gia quá trình đàm phán.
"Hiệp định Paris là thắng lợi mang tính quyết định đưa đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là kết quả của gần 20 năm chiến tranh ác liệt, chiến đấu gian khổ của cả dân tộc", bà Nguyễn Thị Bình nói. "Hiệp định Paris là thắng lợi về mặt quân sự, chính trị và ngoại giao của Việt Nam, đồng thời là thắng lợi của phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam".
Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt Helene Luc nhận định "thế giới chào đón thắng lợi của dân tộc Việt Nam", được tạo nên từ tinh thần anh dũng của nhân dân Việt Nam cũng như sự hỗ trợ của bạn bè và các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Bà Helene Luc bày tỏ tự hào được tham gia phong trào ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris. Khi đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới Pháp 50 năm trước, bà cùng gia đình và nhiều thành viên của Đảng Cộng sản Pháp đã đón tiếp chu đáo và dành nhiều tình cảm đối với đoàn Việt Nam.
Bà cho biết rất vui mừng khi Việt Nam ngày càng phát triển phồn vinh và là bạn, là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia trên thế giới.
Cuộc đàm phán Paris bắt đầu ngày 13/5/1968, trải qua ba giai đoạn và kéo dài 4 năm, 8 tháng và 14 ngày. Trong thời gian này, phái đoàn Việt Nam và Mỹ đã tổ chức 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng để tiến tới việc ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973.
Nguyễn Tiến