![]() |
Francois Bayrou. Ảnh: AP. |
Chỉ cách đây khoảng một tháng, các nhà quan sát vẫn cho rằng cuộc chạy đua vào điện Elysée chỉ dành cơ hội cho hai ứng cử viên Nicolas Sarkozy (Liên minh vì phong trào nhân dân - UMP), và Ségolène Royal (đảng Xã hội - PS).
Những ứng cử viên nhỏ thuộc các đảng cực hữu và cực tả, đảng Xanh, đảng Cộng sản... phản ánh thực tế đa nguyên chính trị nhưng tuyệt nhiên không thể trúng cử, thậm chí cơ hội để góp mặt vào danh sách chính thức còn khó (bởi điều kiện phải thu thập ít nhất 500 chữ ký của các thị trưởng). Kể từ khi tướng De Gaulle sáng lập nền cộng hòa thứ 5, bản đồ chính trị nước Pháp luôn bị phân cực theo sơ đồ "tả - hữu" như trên, dù các đảng phái có thể mang những tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ.
Nay thì khác, ông Francois Bayrou, thủ lĩnh một đảng tự xưng là trung dung - Liên minh vì nền dân chủ Pháp (UDF), đã vươn lên trong các cuộc thăm dò dư luận đến mức đe dọa vị trí của cả hai ứng cử viên thuộc "chiếu trên". Những tuần gần đây, xu hướng này luôn được xác nhận lại theo kịch bản: ở vòng 1, ông Bayrou giành được khoảng 19% số phiếu ủng hộ, trong khi ông Sarkozy dẫn đầu với 31% và bà Royal khoảng 25%.
Điều gì khiến một chính khách lâu nay bị xếp vào loại "lót đường" bứt phá ngoạn mục như vậy? Câu trả lời nằm ở sự chán ngán của người Pháp đối với các đảng phái truyền thống. Trong khi đó, cá nhân con người Francois Bayrou, thông điệp của Francois Bayrou tượng trưng cho một hy vọng thay đổi, một sự khác biệt mà ngày càng nhiều cử tri mong đợi.
Xuất thân từ một gia đình nông dân xứ Pyrénées-Atlantiques miền nam nước Pháp, ông Bayrou không theo học những trường đại học danh giá ở Paris vốn luôn là cái nôi đào tạo ra tầng lớp tinh hoa nước Pháp, bất kể phe tả hay hữu. Sau khi thân sinh ông mất trong một tai nạn lao động, ông Bayrou phải bỏ học để đi làm ở nông trại. Mặc dù vậy, đường hoạn lộ của ông không phải kém cỏi: từng là bộ trưởng giáo dục, là thủ lĩnh UDF, một đảng nhiều lần tham gia chính phủ liên minh. Ngoài ra, ông còn là một nhà văn quen biết chuyên về thể loại tiểu sử nhân vật.
Điều cử tri đánh giá cao ở Bayrou là sự kiên trì với những tư tưởng phi tả - phi hữu của mình qua nhiều năm, ít bị tác động bởi lối "gió chiều nào che chiều ấy". Khi tranh cử, ông Bayrou không đưa ra những lời hứa hẹn tốn kém bị nghi ngờ về tính khả thi mà các ứng viên khác thường lạm dụng để "quyến rũ" cử tri. Phân tích thành phần những người ủng hộ ông Bayrou, người ta thấy số đông là công chức trung-cao cấp và giới hành nghề tự do. Nhưng ông Bayrou cũng ngày càng thu hút những người có thu nhập thấp hơn.
Có hai khả năng xảy ra tới đây: tận dụng được lợi thế "đứng giữa" của mình, ông Bayrou tiếp tục giành giật thêm sự ủng hộ của những cử tri cánh hữu để lọt vào vòng 2, dù điều này rất khó. Hoặc ông Bayrou lôi kéo thêm những người cánh tả không muốn bỏ phiếu cho bà Royal. Khả năng này có vẻ dễ dàng hơn bởi nhiều người cho rằng bà Royal thiếu kiên quyết, chương trình hành động thiên về mục tiêu hơn biện pháp, khả năng xử lý các vấn đề đối ngoại không cao.
Khi ấy cuộc đua Sarkozi - Bayrou trở nên cực kỳ gay cấn bởi phe tả sẽ đồng loạt bỏ phiếu cho ông Bayrou. Tất nhiên, xác suất lớn nhất vẫn là ông Bayrou không lọt vào vòng 2. Nhưng lời kêu gọi dồn phiếu của ông khi ấy sẽ được hai ứng cử viên còn lại hết sức săn đón. Vị thế "lập vua" sẽ cho ông Bayrou và UDF đòn bẩy lớn tại các cuộc bầu cử lập pháp tiếp theo và quá trình lập chính phủ mới.
(Thanh Niên)