Thứ năm, 10/10/2024
Chủ nhật, 31/12/2023, 06:00 (GMT+7)

Hiện trạng khu đất 'vàng' 20.000 m2 ở Nha Trang sắp được thu hồi

Khu đất 20.000 m2 ở vị trí đắc địa bậc nhất Nha Trang, từng bị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa giao trái pháp luật cho doanh nghiệp làm dự án cao cấp, vừa được tòa sơ thẩm tuyên thu hồi về cho Nhà nước.

Khu đất hơn 20.000 m2 gồm hai thửa liền kề tại số 28E Trần Phú - đường ven biển Nha Trang, được Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng duyệt chủ trương giao cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang thực hiện dự án khu tổ hợp khách sạn - căn hộ du lịch cao cấp Nha Trang Golden Gate, năm 2014.

Đến tháng 11/2020, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm khi chuyển đổi nhiều khu đất "vàng" ở Khánh Hòa giai đoạn 2010-2017 (trong đó có khu đất trên), kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Theo đó, dự án Nha Trang Golden Gate bị dừng thi công. Hiện, các hạng mục của công trình này dang dở, cỏ cây mọc um tùm.

Phần móng công trình dự án Nha Trang Golden Gate trơ trụ sắt, một số nơi hóa ao tù.

Theo cơ quan điều tra, sau khi ông Nguyễn Chiến Thắng phê duyệt chủ trương, ông Lê Đức Vinh (khi đó là Phó chủ tịch tỉnh) đã ký các quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, ký công văn chỉ đạo công tác bồi thường, xử lý tài sản trên đất tại dự án. Tháng 11/2015, với cương vị Chủ tịch UBND tỉnh (thay ông Thắng), ông Vinh chỉ đạo bàn giao tài sản trên đất cho Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang.

Đến tháng 2/2016, ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch tỉnh, đã ký quyết định giao và cho thuê (50 năm) 20.110 m2 đất khu này cho doanh nghiệp xây khách sạn, căn hộ du lịch, trung tâm thương mại mà không qua đấu giá. Ông Thiên cũng là người phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Trong đó, hơn 8.220 m2 đất thương mại - dịch vụ trả tiền thuê một lần với giá trên 6,6 triệu đồng/m2; gần 4.700 m2 đất đô thị thu tiền sử dụng để xây căn hộ chung cư với giá 5,3 triệu đồng một m2; hơn 7.200 m2 còn lại không thu tiền sử dụng để làm công viên cây xanh, hệ thống giao thông, sân bãi. Nhưng năm sau, UBND tỉnh Khánh Hòa lại điều chỉnh 7.200 m2 đất trên thuộc loại "thuê đất trả tiền hàng năm".

Chủ đầu tư dự án đã nộp 75,9 tỷ đồng tiền thuê đất - được cho là quá thấp so với giá thị trường thời điểm đó.

Vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang tại khu đất. Hồi năm 2017, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa từng ra quyết định xử phạt chủ đầu tư dự án 35 triệu đồng vì chưa có giấy phép xây dựng đã tổ chức thi công.

Hôm 18/12, TAND tỉnh Khánh Hòa xác định, khu đất này là tài sản Nhà nước, đã bị hai cựu chủ tịch tỉnh Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh cùng nhiều lãnh đạo khác giao và cho thuê trái quy định, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất... gây thiệt hại gần 138 tỷ đồng.

Do khu đất bị chuyển dịch trái pháp luật, là vật chứng của vụ án, nên HĐXX quyết định giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi, trả lại cho Nhà nước. Tuy nhiên, bản án chưa có hiệu lực pháp luật (phiên sơ thẩm), bởi có thể các bị cáo và các bên liên quan kháng cáo.

Suốt nhiều năm qua xung quanh dự án có rào chắn, cổng đóng, có bảo vệ túc trực.

Về việc Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang đề nghị được tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất 28E để thực hiện dự án mà không yêu cầu bồi thường thiệt hại, HĐXX cho rằng "không có cơ sở xem xét". Tòa tách các yêu cầu liên quan đến khu đất, thu hồi vật chất, để các bên liên quan khởi kiện thành một vụ án dân sự khác.

Một công trình tại khu đất có dấu hiệu xuống cấp, cỏ cây leo bám vào tường.

Một công trình khác đang xây dang dở phải dừng thi công, hoang phế suốt nhiều năm.

Vài khoảnh đất trống được nhân viên bảo vệ của dự án tận dụng để nuôi gà, trồng rau.

Liên quan đến sai phạm của các lãnh đạo tỉnh trong việc giao đất "vàng" cho doanh nghiệp năm 2014-2016 còn có khu đất rộng 7.400 m2 (trụ sở trường Chính trị cũ) tại số 1 Trần Hưng Đạo. Hiện, nơi đây đã trở thành khu phức hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở chung cư Gold Coast do Công ty Cổ phần Thanh Yến làm chủ đầu tư.

Khu đất cũng được tòa xác định là vật chứng của vụ án, song không tuyên thu hồi vì công trình đã được nghiệm thu, có nhiều hộ dân sinh sống. HĐXX chỉ buộc Công ty Cổ phần Thanh Yến phải nộp lại hơn 334 tỷ đồng (tiền hưởng lợi từ sai phạm của các bị cáo). Sau khi nộp đủ, Công ty Thanh Yến có thể liên hệ cơ quan chức năng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và đất cho các hộ dân.

Tương tự, khu đất rộng 22.340 m2 mặt tiền đường biển Phạm Văn Đồng hiện có cụm 6 toà nhà gồm khách sạn, căn hộ bán và cho thuê mang tên Mường Thanh Viễn Triều (trước đây là dự án Oceanus), do Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư, được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2018.

Ở dự án này, cơ quan điều tra cáo buộc cựu chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng và cấp dưới Đào Công Thiên đã có hàng loạt sai phạm khi cấp phép đầu tư, phê duyệt giá đất... cho doanh nghiệp làm dự án trên. Hành vi của những người này không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng và quy định pháp luật. Hội đồng thẩm định giá đất xác định giá đất 9,2 triệu đồng/m2 là không đúng dẫn đến ngân sách Nhà nước bị thất thoát ở thời điểm năm 2015 là hơn 5,6 tỷ đồng.

VKSND tỉnh Khánh Hòa đang hoàn tất cáo trạng truy tố những người liên quan về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Bùi Toàn

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về phapluat@vnexpress.net