Thứ hai, 27/1/2025
Thứ hai, 21/10/2024, 07:52 (GMT+7)

Hiện trạng ga đường sắt Đà Nẵng

Đà NẵngChính quyền thành phố có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan.

Ga Đà Nẵng nằm trên đường Hải Phòng, quận Thanh Khê, cách ga Hà Nội 791 km về phía bắc và ga Sài Gòn 935 km về phía nam. Đây là ga xe lửa chính và quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc Nam.

Nhà ga được xây dựng dưới thời Pháp, khánh thành năm 1902. Sau nhiều lần sửa chữa và xây dựng, nhà ga không còn dấu vết của lối kiến trúc xưa. Ga hiện có ba khu chức năng: Ga hàng, ga hành khách và ga tác nghiệp kỹ thuật.

Tháng 8 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga đến vị trí mới thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, cách ga hiện hữu khoảng 4,2 km.

Ga Đà Nẵng có tổng diện tích do ngành đường sắt đang quản lý hơn 11,3 ha, chiếm 1,2 % diện tích đất quận Thanh Khê, quận có mật độ dân số cao nhất trong các quận, huyện của TP Đà Nẵng.

Nếu được di dời, ga hàng hóa sẽ về ga Kim Liên gần đèo Hải Vân để thành phố tái hiện đô thị khu vực ga Đà Nẵng hiện hữu.

Tổng mức đầu tư dự án di dời ga Đà Nẵng giai đoạn 1 dự kiến 2.290 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 780 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 1.190 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2024 đến năm 2030.

Trong giai đoạn 2, thành phố sẽ di dời tuyến ga, đường sắt khu vực TP Đà Nẵng theo quy hoạch và xây dựng ga hành khách mới tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang. Nhà ga phục vụ đường sắt quốc gia và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Dự án giai đoạn 2 dự kiến hơn 3.810 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Hàng ngày có nhiều lượt tàu hỏa từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn đến Đà Nẵng.

Tháng 3 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương đoàn tàu du lịch tuyến Huế - Đà Nẵng mang tên "Kết nối di sản miền Trung", giúp kết nối giao thông, du lịch giữa hai địa phương.

Ga Đà Nẵng thuộc loại lớn và tốt nhất miền Trung. Tàu lửa khi đến Đà Nẵng phải ngược vào trung tâm thành phố để trả khách, trả hàng, sau đó đi ngược ra khu vực ngã ba Huế mới tiếp tục hành trình vào Nam, ra Bắc. Vào mùa thấp điểm du lịch (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau), khách di chuyển bằng đường sắt tại Đà Nẵng đi các địa phương khác ít hơn.

Tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua Đà Nẵng dài khoảng 3 km. Tại trung tâm thành phố, tính từ nhà ga đến cầu vượt Ngã Ba Huế (dài khoảng 4 km), đường sắt đã giao cắt với nhiều tuyến đường bộ có mật độ giao thông đông đúc như Lê Độ, Hà Huy Tập, Trần Cao Vân, gây ùn tắc giờ cao điểm. Trong ảnh là cảnh tàu chạy qua gác chắn giao đường Trần Cao Vân lúc 12h50 hàng ngày.

Đường sắt qua kiệt 144 Hải Phòng đã xuống cấp, không còn sử dụng, người dân lấn chiếm để buôn bán, đậu đỗ ôtô...

Ngoài ra còn có các đoạn đường sắt qua đường Ông Ích Khiêm, Lê Độ lâu nay ít sử dụng.

Do đường sắt ở trung tâm thành phố và giữa khu dân cư nên nhiều người băng qua mỗi khi vắng tàu để tiết kiệm thời gian di chuyển.

Khu vực nhà ga hiện hữu tiếp giáp các khu dân cư đông đúc ở trung tâm thành phố. Trước đây, thành phố dự kiến vị trí di dời nhà ga lên phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, nhưng sau nhiều cuộc bàn thảo vẫn không huy động được vốn.

Cửa sắt ngăn khu vực tàu thường xuyên quay đầu với giao thông bên ngoài tại nút giao đường sắt với đường Ông Ích Khiêm - Đống Đa (tiếp giáp quận Thanh Khê với quận Hải Châu), không khóa, nhiều người vẫn mở để nhặt ve chai.

Cạnh nút giao này, nhiều người dân buôn bán vỉa hè. Cửa có chốt, không khóa nên một số người thường mở để vào phía trong khu vực đường sắt giáp nhà ga để lượm ve chai.

Chính quyền Đà Nẵng mong muốn khi di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố sẽ xóa cảnh ùn tắc giao thông, giúp địa phương có quỹ đất tái thiết đô thị, kết nối các tuyến đường quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Khu vực trước ga Đà Nẵng cũng thường bị ngập cục bộ trong những đợt mưa lớn ở Đà Nẵng, gây khó khăn đi lại cho người dân. Trong ảnh, nhiều phương tiện bị chết máy khi đi qua đường Hải Phòng giao đường Hoàng Hoa Thám, ngày 14/10/2022.

Khu vực TP Đà Nẵng dự kiến xây dựng ga đường sắt mới gần hồ Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng nhà ga mới diện tích khoảng 3.000 m2, cao 10 tầng phục vụ hành khách đi tàu.

Hướng tuyến đường sắt hiện tại trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ được giữ nguyên. Nhánh đường sắt cụt từ đường vòng Thanh Khê qua ga Thanh Khê về đến ga Đà Nẵng sẽ được chuyển đổi công năng thành đường sắt đô thị.

Chính quyền cũng xây mới quảng trường nhà ga kết hợp với công viên hồ Tây của thành phố để kết nối giao thông với đường phố lân cận nhà ga. Công viên kết hợp với quảng trường nhà ga rộng khoảng 14.000 m2.

Nguyễn Đông