Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa báo cáo thành phố quy hoạch, hiện trạng và định hướng đầu tư 7 tuyến đường vành đai trên địa bàn. Trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5).
Vành đai 1 dài hơn 7 km qua các phố Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Xã Đàn – Hoàng Cầu – Voi Phục; hiện còn đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (2,5 km) chưa hoàn thành.
Vành đai 2 dài 39 km với hướng tuyến phía Nam sông Hồng qua Vĩnh Tuy - Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Nhật Tân; hướng tuyến phía Bắc sông Hồng đi trùng đường 5 cũ và đường 5 kéo dài (từ cầu Vĩnh Tuy - cầu Nhật Tân).
Đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy của vành đai này đã hình thành tuyến nhưng chưa mở rộng theo quy hoạch; đang thi công mở rộng đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng.
Vành đai 2,5 dài hơn 19 km chia làm 13 đoạn, còn 5 đoạn đang triển khai (gần 6 km) và 4 đoạn chưa được đầu tư (gần 4 km). 9 đoạn này nằm chủ yếu trên địa bàn các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai.
Vành đai 3 dài 68 km, hướng tuyến Nam Thăng Long - Mai Dịch - Pháp Vân - Cầu Thanh Trì - Sài Đồng - Ninh Hiệp - Đồng Xuân và nối vào đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Nội Bài (14 km) chưa được đầu tư.
Vành đai 3,5 hơn 45 km mới hình thành một trong số 8 đoạn (đường Lê Trọng Tấn và đường Phúc La - Văn Phú); đoạn từ quốc lộ 32 đến đại lộ Thăng Long đang được đầu tư.
Vành đai 4 dài hơn 112 km đi qua TP Hà Nội (58 km) và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh; dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2022.
Vành đai 5 dài 331 km, đi qua 8 tỉnh thành Hà Nội (48 km), Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Đa số các đoạn tuyến của vành đai này hiện chưa được đầu tư.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong tổng số 285 km 7 tuyến vành đai nằm trên địa bàn thành phố, đến nay mới hoàn thành hơn 132 km (tương ứng 46%); khoảng 20 km đang triển khai đầu tư; 83 km trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lập chủ trương; còn lại 49 km chưa được nghiên cứu hình thành dự án.
Lý do chậm triển khai được chỉ ra là kinh phí ngân sách Nhà nước bố trí để triển khai đầu tư các tuyến đường vành đai rất lớn, chỉ tính riêng hơn 83 km đang triển khai chuẩn bị đầu tư (cho 5 đoạn tuyến của vành đai 3,5 và vành đai 4 đoạn qua Hà Nội), vốn đầu tư công cần bố trí khoảng 53.574 tỷ đồng (riêng vành đai 4 là 31.299 tỷ đồng).
Một số dự án, đoạn tuyến có số lượng giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như kinh phí rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định dân cư cũng như tiến độ và tính khả thi khi triển khai. Trong đó phải kể đến vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục, 7.200 tỷ đồng); vành đai 2,5 (3 đoạn khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ, 928 tỷ đồng; Trung Kính – Trần Duy Hưng, 1.150 tỷ đồng; Ngụy Như Kom Tum – Nguyễn Trãi – Đầm Hồng, 2.601 tỷ đồng).
Từ thực tiễn nêu trên, Sở Giao thông Vận tải đề xuất phân kỳ đầu tư đối với dự án xây dựng tuyến đường vành đai 1 (Hoàng Cầu – Voi Phục), theo hướng trong giai đoạn 2021-2025 triển khai trước để hoàn thiện 2 nút giao thông (nút giao với đường Nguyễn Chí Thanh và nút giao với đường Láng Hạ - Giảng Võ).
Đối với tuyến đường Vành đai 2, Sở đề nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Cầu Vĩnh Tuy – giai đoạn 2, và đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng; đồng thời nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy, lên phương án đường trên cao thuộc đoạn tuyến này để làm cơ sở triển khai dự án trong giai đoạn 2026-2030.
Sở cũng đề xuất thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh nhiều dự án đoạn tuyến với vành đai 2,5, vành đai 3 và 3, 5.
Võ Hải