Bệnh nụ hôn
EBV (Eptein Barr Virus) do một loại virus gây "bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn", còn có tên gọi "bệnh nụ hôn". EBV có nhiều trong nước bọt và lây nhiễm qua nụ hôn hoặc dùng chung muỗng, chung dụng cụ vệ sinh cá nhân...
Tới 90% dân số trên thế giới có thể bị nhiễm EBV trong đời mà không hề biết, vì không biểu hiện triệu chứng gì. Triệu chứng giống như cúm sau khi nhiễm EBV 4-6 tuần, thường ở người trẻ, nhẹ và thoáng qua. Sốt, chán ăn, nổi mẩn, đau họng, đau cơ, nổi hạch cổ... thường tự hết sau 2-4 tuần, tuy nhiên mệt mỏi có thể kéo dài vài tháng.
Một số bệnh hiếm gặp khác do EBV gây nên là viêm tai, tiêu chảy, hội chứng Guillain-Barre, ung thư Lymphôm Burkitt và ung thư vòm họng. Theo bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, nguy cơ biến chứng thành ung thư vòm họng từ "bệnh nụ hôn" là rất hiếm. Nguyên nhân ung thư vòm họng là một tổ hợp đa dạng yếu tố nguy cơ như di truyền, môi trường, thói quen và tập quán ăn uống sinh hoạt... EBV chỉ là một yếu tố tác động trên cơ thể đã bị suy yếu trước mới sinh ung thư vòm họng.
Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là bệnh nguy hiểm đứng đầu trong các loại ung thư vùng đầu - mặt - cổ, xuất phát từ các tế bào biểu mô vùng vòm họng. Đây là một trong 10 loại ung thư phổ biến trên thế giới, thường gặp ở một số nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Bệnh nhân ung thư vòm họng tỷ lệ tử vong cao.
Bác sĩ Đinh Hữu Việt, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết quan hệ tình dục bằng miệng (oral sex) là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư vòm họng và có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Virus HPV (Human Papillomavirus) gây u nhú, mụn cóc ở bộ phận sinh dục, có thể truyền từ người sang người khi quan hệ tình dục bao gồm oral sex.
Ung thư vòm họng thường gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến là nam giới từ 40 đến 60 tuổi. Biểu hiện bệnh không rõ ràng, thường chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn. Các triệu chứng gồm chảy máu mũi hoặc tắc nghẽn mũi, đờm có máu, tai bị chẹn, có tiếng ồn vang vọng, khiếm thính, đau đầu, hoa mắt, tê mặt...
Lây nhiễm vi khuẩn HP
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) gây loét dạ dày - tá tràng, viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính, nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày. Triệu chứng thường gặp là đau thượng vị, ợ chua, bụng cồn cào, nóng rát sau xương ức... HP lây chủ yếu qua đường ăn uống, nước bọt, phân, dịch tiêu hóa, nhất là gia đình có thói quen ăn uống chung. Lây nhiễm xảy ra khi dùng thức ăn, nước uống có nhiễm khuẩn.
Hôn nhau cũng có thể lây HP nhưng nguy cơ thấp. Nếu phát hiện dương tính với vi khuẩn HP, người bệnh có thể trị khỏi hoàn toàn sau hai tuần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, hôn hay quan hệ đường miệng còn làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh qua các vết xước xây xát, chảy máu ở miệng, bộ phận sinh dục, viêm nướu răng. Vi khuẩn gây viêm có thể lây truyền qua tiếp xúc với nước bọt của người bị nhiễm bệnh. Người bình thường có thể mắc bệnh khi hôn một người bệnh về nướu hoặc vi khuẩn gây sâu răng.
Bệnh herpes miệng thường được gọi là vết loét lạnh do virus herpes simplex type 1 (HSV-1) gây ra. Đây là bệnh nhiễm trùng phổ biến lây lan qua hôn nhau. Phụ nữ dễ bị nhiễm hơn nam giới.
Bệnh giang mai không những lây nhiễm qua đường tình dục mà còn có thể truyền qua cử chỉ thân mật và hôn. Khi hôn sâu và mạnh, miệng có thể bị trầy xước, các xoắn khuẩn giang mai từ đó xâm nhập lây nhiễm cho người không bị bệnh. Triệu chứng ban đầu của bệnh thường là những vết loét, không đau, không ngứa. Sau một thời gian, người bệnh có thể bị phát ban, sốt, đau đầu, chán ăn và cơ thể suy nhược.
Thùy An