Trong hàng ngũ những người tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không chỉ có các chiến binh "tử vì đạo" mà ngày càng có nhiều thành phần trí thức như bác sĩ, kỹ sư, chuyên gia tin học và sinh viên. Họ lựa chọn con đường jihad vì mục đích xây dựng cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo", theo Le Figaro.
Theo Romain Caillet, chuyên gia về các vấn đề Hồi giáo thuộc viện Quan hệ quốc tế Pháp, cuộc xung đột kéo dài 4 năm tại Syria và sự bành trướng của IS đã khiến phần lớn người Syria và Iraq có học vấn, trình độ cao rời bỏ đất nước, khiến hai quốc gia này rơi vào tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng. Theo thống kê, cả nước Syria chỉ có 9 bác sĩ tâm thần, nhưng tất cả đã bỏ ra nước ngoài vào năm 2012, nửa số bác sĩ của tỉnh Homes, một tỉnh quan trọng của Syria, cũng ra đi vào thời điểm này.
Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao trong lãnh thổ kiểm soát, IS đã triển khai một chiến dịch tuyển mộ nhằm vào tất cả các chuyên ngành: bác sĩ để điều trị thương binh, kỹ sư để quản lý các nhà máy lọc dầu hoặc chế tạo bom, nhà báo và chuyên gia truyền thông để triển khai rộng rãi các kế hoạch tuyên truyền hoặc các viên chức để đảm bảo hoạt động hành chính của tổ chức.
Một trong những biện pháp mà IS lựa chọn là khoe khoang các cơ sở kỹ thuật như bệnh viện, trường y với các trang thiết bị hiện đại. Vào tháng 4/2015, Tareq Khamleh, bác sĩ người Australia gia nhập IS, xuất hiện trong đoạn video tuyên truyền của tổ chức này. Trong đoạn video, Khamleh mặc áo bác sĩ, đứng trong một phòng khám hiện đại, khoe rằng cảm thấy hạnh phúc khi tham gia IS và lẽ ra nên có mặt tại đây sớm hơn.
Ngoài ra, IS cũng rất chú trọng đến những phụ nữ có học vị cao như tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, hoặc đang giữ chức vụ quản lý trong bộ máy nhà nước của các quốc gia.
Nhà nghiên cứu kỳ cựu về Hồi giáo Mathieu Guidère khẳng định ông có thông tin chắc chắn về hơn 10 trường hợp trí thức Pháp gia nhập IS, đồng thời nhận định con số này thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Chuyên gia này cho rằng có ba nhóm đối tượng trí thức dễ bị lôi kéo nhất gồm những người đang không có việc làm được IS hứa hẹn trả lương cao; những người có công việc bấp bênh muốn được công nhận giá trị và tương lai tốt đẹp; những người cảm thấy bị phân biệt đối xử, muốn được hưởng sự công bằng khi gia nhập IS.
The Guardian cuối năm 2015 cho biết có ít nhất 17 bác sĩ trẻ người Anh đang làm việc cho cơ quan được coi là "Bộ Y tế" của IS. Tất cả đều có thời gian nghiên cứu tại trường đại học Khartoum (UMST), Sudan, nơi họ bị truyền bá tư tưởng cực đoan và được phiến quân Mohammed Fakhri tuyển mộ.
Phần lớn các trí thức làm việc cho IS đến từ các quốc gia Arab như các nước vùng Vịnh, Morocco và Tusinia. Vào tháng 7/2015, ước tính có khoảng 1.200 sinh viên Tusinia tham gia IS. Ngoài ra, cũng có cả những sinh viên đến từ Jordan, Ghana, Senegal, Uzbekistan, và cả Ấn Độ.
Chuyên gia Romain Caillet khẳng định không thể xem nhẹ hiện tượng trí thức gia nhập hàng ngũ IS. Điều này báo hiệu những xu hướng nguy hiểm trong xã hội các quốc gia trên thế giới, khi nhiều trí thức tỏ ra căm ghét chính xã hội đã nuôi dưỡng và đào tạo họ.
Nhà nghiên cứu Myriam Benraad thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Paris (FRS) nhận định lãnh đạo của IS, Abu Bakr al-Baghdadi, đã thành công trong việc truyền bá thông điệp tới tất cả những ai thất vọng về chế độ và hệ thống nơi họ đang sống. Tên trùm phiến quân này đã hứa hẹn một cuộc sống "thuần khiết" cho những thanh niên, trí thức thất nghiệp, bất mãn với đất nước họ đang sống.
Benraad cho rằng việc IS tuyển mộ giới trí thức thực sự đã trở thành một hiểm họa của thế giới. Với việc có được sự phục vụ của thành phần trí thức này, IS có khả năng hoàn thiện và củng cố "bộ máy hành chính" cai trị, khiến nỗ lực diệt IS đầy tốn kém của Mỹ và Nga càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Nguyễn Hoàng