Bộ trưởng Thông tin Venezuela Jorge Rodriguez hôm 5/8 xác nhận các máy bay không người lái (UAV) mang thuốc nổ đã được sử dụng nhằm ám sát Tổng thống Nicolas Maduro trong lễ diễu binh ở thủ đô Caracas. Các chuyên gia quân sự cho rằng vụ ám sát hụt này là minh chứng cho mối nguy hiểm ngày càng gia tăng và khó ngăn chặn của UAV trong các âm mưu ám sát, khủng bố, theo WIRED.
Không lâu sau vụ tấn công, Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Nestor Reverol công bố thông tin chi tiết cho thấy những kẻ tấn công đã sử dụng hai máy bay không người lái DJIM600, mỗi chiếc mang theo một kg thuốc nổ C4 với bán kính sát thương khoảng 50 m.
Mỗi chiếc DJIM600 có giá 4.600 USD, được coi là mẫu UAV dùng cho các nhà làm phim và nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vì có khả năng cất cánh với trọng tải tương đối lớn. Chúng có thể mang thiết bị quay phim, chụp hình nặng gần 6 kg, cũng như lắp thêm thiết bị định vị GPS để tăng độ chính xác.
"Những mẫu UAV uy lực và khó ngăn chặn rõ ràng đang trở thành một công cụ quan trọng để thực hiện các vụ tấn công của phiến quân", Todd Humphreys, phó giáo sư chuyên nghiên cứu về vấn đề an ninh tại Đại học Texas, nhận định. "Thách thức về mặt kỹ thuật để bảo vệ các nguyên thủ trong những sự kiện công khai trước mối đe dọa từ UAV mang thuốc nổ lớn hơn rất nhiều so với việc chế tạo chúng".
Phương thức tấn công này đã được nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng để gây thiệt hại cho quân đội Iraq và Syria trong nhiều năm qua. Gần đây nhất, phiến quân Houthi ở Yemen cũng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công bằng UAV nhằm vào sân bay quốc tế Abu Dhabi của UAE, nhưng không gây thương vong về người. Điều này cho thấy hiểm họa từ các cuộc tấn công bằng UAV là rất lớn, trong bối cảnh chưa có cách đối phó hiệu quả với phương thức này.
"Một đứa trẻ 12 tuổi, có chút hiểu biết về kỹ thuật và có tiền mua một chiếc UAV là đã có thể thực hiện vụ tấn công kiểu này", Colin Clarke, chuyên gia phân tích chính sách an ninh tại Viện RAND, khẳng định.
Trong cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ hồi tháng 6, Thứ trưởng An ninh Nội địa phụ trách phân tích và tình báo David Glawe thừa nhận việc tấn công bằng UAV là một mối đe dọa hiện hữu, trong khi Mỹ chưa tìm ra biện pháp đối phó hiệu quả.
Theo các chuyên gia quân sự, việc sử dụng UAV tấn công mang lại những lợi thế nhất định về chiến thuật. Hầu hết những máy bay này đều bay thấp hơn mức công nghệ radar hiện nay có thể phát hiện. Ngay cả khi chỉ mang một lượng nhỏ thuốc nổ, chúng có thể khiến một máy bay dân dụng bị rơi, nhất là lúc cất cánh và hạ cánh, thời điểm phi hành đoàn có rất ít thời gian để phản ứng trước sự cố bất ngờ.
Một UAV đơn giản có thể hạ một máy bay khi được điều khiển vào đường bay của nó. Trong khi đó, mẫu UAV cỡ lớn, loại thường được các nhóm phiến quân sử dụng, có thể mang theo vài kg thuốc nổ và đạt tốc độ 160 km/h, tầm bay 650 km. Chúng có thể được lập trình để di chuyển vào khu vực có nhiều máy bay hoạt động và gây thiệt hại nặng mà không cần con người điều khiển.
An ninh sân bay hiện nay chỉ tập trung vào việc giảm thiểu mối đe dọa từ con người như hành khách, hành lý và hàng hóa quá cảnh, không được đào tạo để đối phó các cuộc tấn công có chủ đích từ trên không của các UAV cỡ nhỏ.
Việc bảo vệ các nguyên thủ trước những cuộc tấn công bằng UAV phức tạp và khó khăn hơn nhiều, bởi họ thường phải xuất hiện trước công chúng. Trong những sự kiện như vậy, phiến quân có thể lập trình để các UAV bất ngờ tiếp cận mục tiêu từ nhiều hướng và kích hoạt khối thuốc nổ bởi bất kỳ người nào có thiết bị điều khiển trong tay.
Ngay cả nước có nền quốc phòng tiên tiến như Mỹ đến nay cũng chưa có phương án phòng thủ hiệu quả trước mối đe dọa từ UAV. Phương án phòng thủ tốt nhất là sử dụng thiết bị gây nhiễu sóng radio công suất cao để phá sóng điều khiển của UAV, nhưng việc này có nguy cơ gây tê liệt sóng di động cục bộ. Trong khi đó, phương án dùng lực lượng bắn tỉa hạ UAV có thể gây thiệt hại ngoài mong muốn, chẳng hạn như cháy nổ các công trình dưới mặt đất.
Để đối phó cuộc tấn công bằng UAV, nhà sản xuất như công ty DJI có thể lập trình khu vực cấm bay cho chúng. Tuy nhiên, những kẻ tấn công có kiến thức về công nghệ có thể dễ dàng vô hiệu hóa phương án phòng thủ này. Cảnh sát Hà Lan đã thử huấn luyện đại bàng để săn UAV, nhưng phương án này không khả thi trước các loại máy bay lớn có tốc độ cao.
Hiểm họa từ UAV khiến quốc hội Mỹ đề xuất Đạo luật Ngăn chặn Mối đe dọa mới nổi hồi tháng 5, trong đó cho phép cơ quan an ninh Mỹ được quyền theo dõi, vô hiệu hóa bất kỳ UAV nào tiếp cận các cơ sở nhạy cảm.
"Hiểm họa từ UAV không còn là giả thuyết hay ở tương lai nữa. Đây là mối đe dọa rất thực tế hiện nay", Thứ trưởng An ninh Nội địa phụ trách phân tích và tình báo David Glawe nhấn mạnh.
Duy Sơn