Kể từ khi Covid-19 khởi phát, hàng loạt "đại gia" dược phẩm toàn cầu bắt tay vào điều chế vaccine, kỳ vọng cho ra sản phẩm an toàn và hiệu quả nhất đẩy lùi đại dịch. Các chuyên gia nhận định liều đầu tiên có thể ra mắt vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Khi khâu thử nghiệm còn chưa hoàn tất, các quốc gia phát triển đã nhanh tay đặt trước hơn một tỷ liều tiêm chủng, làm dấy lên lo ngại phần còn lại của thế giới sẽ bị ngó lơ trong nỗ lực toàn cầu đẩy lùi mầm bệnh.
Mới đây, Anh đã mua 60 triệu liều vaccine của GSK và Sanofi. Đây là thỏa thuận thứ 4 của quốc gia nhằm đảm bảo công dân của mình có quyền sử dụng sản phẩm ngay khi vừa ra mắt. Mỹ cũng mạnh tay chi tới 2,1 tỷ USD để giành quyền ưu tiên đối với vaccine của hai hãng dược trên. Hôm 31/6, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết nước này đã ký một hợp đồng với Pfizer. Theo đó, hãng sẽ cung cấp cho 60 triệu người dân khoảng 120 triệu liều tiêm, chậm nhất là cuối tháng 6/2021.
Các tập đoàn dược phẩm quốc tế liên tục hứa hẹn sẽ bán vaccine với giá cả phải chăng, phù hợp với tất cả mọi người, song họ chắc chắn sẽ phải vật lộn để đảm bảo đủ nguồn cung cho 7,8 tỷ người dân toàn cầu. Khả năng các quốc gia giàu có sẽ độc quyền phân phối hoặc "giữ chỗ" trước cho công dân của mình. Đây được gọi là "chủ nghĩa dân tộc vaccine" - một kịch bản từng diễn ra trong đại dịch cúm lợn H1N1 năm 2009. Khi phác đồ điều trị HIV/AIDS, gồm tổ hợp ba thuốc kháng virus, được công bố năm 1996, người dân phương Tây cũng được sử dụng trước. 7 năm sau đó, châu Phi, lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh thế kỷ, mới tiếp cận liệu pháp này.
Với tiềm lực kinh tế, đến nay Mỹ, Anh, Nhật Bản và khối Châu Âu đã đặt trước khoảng 1,3 tỷ liều vaccine Covid-19. 1,5 tỷ liều khác có thể được cung cấp sau khi các bên xử lý thỏa thuận bổ sung nguồn cung và các giao dịch liên quan, theo phân tích từ công ty dữ liệu Airfinity.
"Ngay cả khi nghiên cứu khoa học cho kết quả khả quan, vẫn không đủ vaccine phân phối cho toàn thế giới", Rasmus Bech Hansen, giám đốc điều hành công ty nhận định. Điều đáng lưu ý khác là một số loại vaccine có thể cần tiêm hai mũi mới phát huy tác dụng.
Các đơn vị tiên phong như Đại học Oxford hợp tác công ty AstraZeneca, nhóm Pfizer-BioNTech đã bước vào nghiên cứu giai đoạn cuối, thiết lập kỳ vọng biện pháp phòng ngừa Covid-19 sẽ sớm xuất hiện. Song các nhà khoa học còn đứng trước một loạt rào cản lớn: chứng minh sản phẩm có hiệu quả, đạt được phê duyệt và tăng cường sản xuất. Airfinity dự báo nguồn cung toàn cầu có thể không đạt tới một tỷ liều cho đến quý đầu năm 2022.
Chìa khóa để giải quyết bài toán thiếu công bằng trong phân phối là cải thiện năng lực sản xuất toàn cầu. Các công ty dược phẩm bắt đầu phác thảo kế hoạch mở rộng độ bao phủ của vaccine. Sanofi và GSK dự định cung cấp một một lượng đáng kể liều tiêm cho các tổ chức quốc tế trong năm 2021-2022, nhằm đưa sản phẩm đến tay những người khó khăn nhất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên Minh Vì Đổi mới & Chuẩn bị Bệnh dịch (CEPI) và Liên minh Toàn cầu về Vaccine & Tiêm chủng (GAVI) hiện đang hợp tác nhằm đảm bảo cộng đồng tiếp cận chương trình tiêm phòng một cách bình đẳng, dễ dàng. Tháng 6, ba tổ chức đã triển khai một kế hoạch trị giá 18 tỷ USD, cam kết phân phối 2 tỷ liều vào cuối năm 2021.
Sáng kiến trên có tên gọi Covax, mục tiêu giúp các nước phát triển phòng ngừa rủi ro thất bại trong quá trình phát triển vaccine, đồng thời cung cấp cho quốc gia thu nhập thấp quyền tiếp cận sản phẩm. Chuyên gia từ các tổ chức từng nhiều lần cảnh báo: chính phủ chỉ đặt lợi ích của nước mình lên hàng đầu có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ, tạo điều kiện cho virus tiếp tục lây lan.
Kể từ tháng 1, khi Trung Quốc công bố trình tự gen virus, các hãng dược ráo riết tham gia vào cuộc chạy đua toàn cầu. Đến nay, toàn thế giới có hơn 165 loại vaccine được đăng ký phát triển, trong đó 27 loại đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng. Nghiên cứu vaccine chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Ngay cả "ứng viên" tiềm năng nhất cũng có thể gây thất vọng ở những khâu cuối cùng.
Thục Linh (Theo Bloomberg)