Rạng sáng 25/8, Sarit Zehavi, chuyên gia về an ninh Israel đang sống ở miền bắc nước này, thức giấc vì những tiếng nổ lớn. "Mặt đất lúc đó chao đảo", Zehavi kể lại, không hiểu điều gì đang diễn ra. "Chúng tôi chưa từng nghe những tiếng nổ lớn như vậy trước đây".
Đó là khoảnh khắc quân đội Israel (IDF) tung đòn không kích phủ đầu vào loạt bệ phóng rocket của lực lượng Hezbollah ở miền nam Lebanon. Hezbollah sau đó phát động đợt tấn công quy mô lớn, phóng hơn 320 rocket cùng một số UAV vào các mục tiêu ở Israel, trong đó có căn cứ quân sự gần Tel Aviv. Phần lớn số rocket, UAV này bị hệ thống Vòm Sắt Israel bắn hạ và không gây thương vong đáng kể cho dân thường.
Tel Aviv cho biết nước này không có thiệt hại gì lớn sau cuộc tập kích của Hezbollah, trong khi nhóm vũ trang ở Lebanon cũng tuyên bố thương vong và thiệt hại hạn chế sau cuộc tấn công phủ đầu của Israel.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah sau đó tuyên bố đã hoàn tất nghĩa vụ báo thù cho lãnh đạo quân sự Fuad Shukr, người bị Israel hạ sát trong cuộc không kích vào thủ đô Beirut của Lebanon hôm 30/7.
Sau đòn trả đũa của Hezbollah, mọi con mắt giờ đổ dồn vào Iran, quốc gia cũng đã tuyên bố sẽ khiến Israel hứng chịu "phản ứng đau đớn" vì vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Tehran chỉ vài tiếng sau khi Shukr bị hạ sát. Cả Iran và Hamas đều cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát Haniyeh, song Tel Aviv đến nay chưa thừa nhận hay phủ nhận.
Cuộc tập kích của Hezbollah hôm 25/8 đã được Hamas và các nhóm vũ trang ở Iraq hưởng ứng mạnh mẽ. Lực lượng Houthi ở Yemen thậm chí kêu gọi nhóm này tiến hành thêm các đòn tấn công tương tự.
Nhưng thông điệp từ Iran mơ hồ hơn. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei không đề cập trực tiếp tới cuộc tập kích, nhưng nói rằng "chiến tranh có rất nhiều hình thức" và thêm rằng "không phải lúc nào nó cũng có nghĩa là phải dùng súng. Nó có nghĩa là suy nghĩ đúng, nói đúng, xác định đúng và nhắm mục tiêu chính xác".
Chủ tịch quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf cho biết Israel đã chịu thất bại trước cuộc tấn công của Hezbollah, tương tự như cuộc chiến tranh năm 2006 giữa Lebanon và Israel. "Họ không thể che giấu thất bại này", ông nói.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi nói nước này sẽ có phản ứng "chính xác và có tính toán" đối với Israel, song "không giống Tel Aviv, Tehran không tìm cách leo thang căng thẳng, dù không sợ điều đó".
Câu hỏi đặt ra là liệu Iran có coi cuộc tấn công mà Hezbollah tuyên bố là "đã thành công" hôm 25/8 như một cái cớ để tránh leo thang hơn nữa, khi Tehran tìm cách ngăn chặn Tel Aviv thực hiện thêm các cuộc tấn công và tránh nguy cơ gây ra chiến tranh khu vực. Hezbollah là thành tố quan trọng trong "Trục Kháng chiến" mà Iran dày công xây dựng và hậu thuẫn ở Trung Đông để đối phó ảnh hưởng của Israel.
"Tính toán của họ không nhất thiết phải tương đồng với phần còn lại của Trục Kháng chiến", Sanam Vakil, chuyên gia về Trung Đông tại viện Chatham House ở Anh, nói. "Iran không phải lúc nào cũng nhất quyết can thiệp hoặc tham gia vào những gì xảy ra tiếp theo".
Giới quan sát cho rằng cuộc tấn công của Hezbollah ảnh hưởng như thế nào tới các kế hoạch của Iran sẽ phụ thuộc vào việc Tehran coi họ liên quan tới hoạt động của nhóm vũ trang ở mức nào.
"Hiện chưa rõ liệu Iran có coi đây là một phần đòn trả đũa của chính họ hay không", một quan chức an ninh Israel cho biết.
Một số đồng minh của Iran như nhóm Houthi ở Yemen đã thúc đẩy đường lối cứng rắn hơn. Mohammad Al-Atifi, lãnh đạo quốc phòng của Houthi, ngày 25/8 nói rằng ông muốn "mọi người yên tâm rằng phản ứng của Trục Jihad và Kháng chiến đối với tội ác của Israel đang đến và không thể tránh khỏi".
Dù cả Israel và Hezbollah đều báo hiệu rằng muốn giảm leo thang và dường như không có ý định tiến hành thêm cuộc tấn công nào sắp tới, quan chức Lầu Năm Góc tin rằng mối đe dọa từ Iran đối với Israel vẫn tồn tại, theo người phát ngôn Pat Ryder.
"Chúng tôi cho rằng mối đe dọa tấn công vẫn còn và sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tốt nhất để có thể hỗ trợ Israel phòng thủ và bảo vệ lực lượng của chúng tôi trong trường hợp đó", Ryder nói.
Quan chức ở Washington nói họ chưa có kế hoạch thay đổi hiện diện quân sự mà Mỹ đã tăng cường trong khu vực.
Cuối tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai của Mỹ đã đến khu vực. Tàu USS Abraham Lincoln và các tàu hộ vệ đã được điều động từ Thái Bình Dương như một phần nỗ lực của Mỹ để tăng cường hiện diện quân sự. Đội tàu này sẽ gia nhập nhóm tác chiến của tàu USS Theodore Roosevelt đang hoạt động ở Trung Đông.
Mỹ cũng đã triển khai một phi đội tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của không quân và tàu ngầm mang tên lửa hành trình USS Georgia tới khu vực. Tàu Roosevelt ban đầu dự kiến rời đi trong tuần này, nhưng đã được lệnh ở lại Trung Đông cho đến ít nhất là tuần tới hoặc có thể muộn hơn, theo quan chức Mỹ nói ngày 26/8.
Lầu Năm Góc đánh giá quyết định tăng cường hiện diện của Mỹ ở Trung Đông vài tuần qua đã phát huy hiệu quả trong việc răn đe Iran và các nhóm đồng minh, khiến họ không phát động cuộc tấn công lớn, theo Ryder.
"Các động thái này đã gửi thông điệp rõ ràng đến tất cả các bên trong khu vực rằng chúng tôi rất nghiêm túc", ông nói.
Ngay sau vụ ám sát Haniyeh, lãnh tụ tối cao Iran Khamenei đã nói rằng Tehran có "nghĩa vụ đáp trả" và Tel Aviv nên "chuẩn bị cho một đòn trừng phạt mạnh mẽ". Quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri-Kani tháng này nói với các nhà ngoại giao rằng phản ứng của Iran sẽ "dứt khoát và mang tính quyết định".
Tuy nhiên, vài ngày sau, Bagheri-Kani lại tuyên bố cách đáp trả của nước này sẽ "đúng thời điểm và với hình thức phù hợp".
Trong thời gian đó, Mỹ và một số đồng minh Arab đã tiến hành nỗ lực ngoại giao con thoi kết hợp với răn đe quân sự để tháo ngòi căng thẳng khu vực. Israel tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Iran tấn công nước này lần nữa.
Hồi tháng 4, Iran đã phóng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào lãnh thổ Israel, cuộc tấn công trực diện đầu tiên sau nhiều năm căng thẳng. Israel với sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh khác đã đánh chặn thành công phần lớn vũ khí Iran.
Amos Yadlin, cựu lãnh đạo tình báo quân sự Israel, nói dựa trên những nhận định cá nhân và đánh giá thông tin tình báo được công khai, ông tin Iran đang dự tính một phản ứng khác với những gì đã làm hồi tháng 4. Lý do là bởi các mối đe dọa từ Mỹ và cam kết đáp trả mạnh mẽ hơn hồi tháng 4 của Israel.
Ngoài ra, chính phủ của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian dường như cũng phản đối hành động dùng vũ lực để trả đũa Israel, bởi ông là người đặt nhiều hy vọng vào cải thiện nền kinh tế của Iran và mối quan hệ với phương Tây.
Yadlin thêm rằng Iran có thể đang tìm kiếm một hình thức trả đũa khác, gồm cả nhắm mục tiêu vào một quan chức cấp cao của Israel.
Cuộc tấn công của Hezbollah có thể mang tới cho Iran lối thoát để giảm leo thang, theo Danny Citrinowicz, thành viên Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Tel Aviv. Hezbollah đối mặt với nhiều áp lực hơn Iran để đáp trả Israel, bởi Fuad Shukr là quan chức cấp cao của nhóm và bị ám sát tại Beirut. Trong khi đó, Haniyeh không phải là người Iran.
"Họ có khả năng trả đũa theo cách ít nghiêm trọng hơn những gì Hezbollah đã làm", Citrinowicz nói.
Giới quan sát nhận xét vụ ám sát Haniyeh rất khác với nguyên nhân mà Iran tiến hành vụ tấn công hồi tháng 4. Israel trước đó đã tập kích cơ sở ngoại giao của Iran ở Damacus ở Syria, khiến 7 thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng.
Ian Parmeter, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Arab và Hồi giáo tại Đại học Quốc gia Australia, cũng cho rằng Iran sẽ không lặp lại hành động như tháng 4, cuộc tấn công mà hầu hết vũ khí của họ đã bị đánh chặn. Bởi ông tin "lặp lại điều đó sẽ cho thấy Iran thực sự không có khả năng thực hiện hành động nghiêm túc nào chống lại Israel".
"Iran cũng không muốn thực hiện một cuộc tấn công trả đũa lớn hơn vì có thể châm ngòi cho cuộc chiến rộng hơn. Và Tehran không muốn cho Mỹ và Israel cái cớ để tiến hành cuộc tấn công phối hợp vào các cơ sở hạt nhân của mình", Parmeter nhận định.
Chuyên gia Đại học Quốc gia Australia cho rằng Iran có thể đang tìm kiếm một biện pháp nào đó giữa cuộc tấn công hồi tháng 4 và một phản ứng mạnh mẽ, điều mà được cho là "tốn thời gian".
"Iran cũng có thể chỉ đơn giản quyết định đáp trả Israel thông qua lực lượng ủy nhiệm. Cuộc tấn công hạn chế của Hezbollah và Houthi có thể là tất cả những gì họ sẵn sàng làm vào giai đoạn này. Nhưng điều đó không có nghĩa nguy hiểm đã kết thúc, bởi không phải lúc nào các đối thủ cũng hiểu chính xác thông điệp của nhau", Parmeter cảnh báo.
Thùy Lâm (Theo WSJ, The Conversation, AFP)