![]() |
Một cảnh quảng cáo dầu gội. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ) |
Bà Vũ Thị Hương, Trợ lý giám đốc Công ty quảng cáo ADT, cho biết, trước đây rất nhiều hãng không chỉ trong nước mà ngay cả các đại gia trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm cố ý quảng cáo nói xấu đối thủ ngay trên truyền hình. Không trực tiếp nhưng người xem dễ dàng nhận ra đó là sản phẩm nào. Việc làm trên đã khiến cho môi trường quảng cáo diễn ra không lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, thậm chí dẫn đến sự phá sản của các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên gần đây tình trạng trên đã có nhiều thay đổi. Những mẩu quảng cáo ca ngợi sản phẩm lên tận mây xanh và ngầm so sánh với các đối thủ khác như "sản phẩm là số 1", "chất lượng hàng đầu"...đã ít xuất hiện trên truyền hình hay các phương tiện thông tin đại chúng khác do khâu kiểm duyệt chương trình đã kỹ càng hơn.
Ông Đỗ Văn Hồng, Ban biên tập Đài truyền hình VN, cho biết, trước đây, đài truyền hình loại rất nhiều phim quảng cáo có yếu tố so sánh đối thủ do đã có trường hợp các doanh nghiệp đến kiện tụng tại nhà đài. Mỗi ngày ông Hồng kiểm tra ít nhất 50 đoạn phim. Với kinh nghiệm trong nghề, ông cho biết, kiểu quảng cáo mang tính cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện nhiều nhất trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm.
Không còn trắng trợn chê bai đối thủ như trước, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các chiêu thức khác. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, hiện nay những hình thức hạ thấp đối thủ khác cũng muôn hình vạn trạng với những chiêu thức ngày một tinh vi hơn. Xu thế thường được sử dụng bây giờ là biện pháp quan hệ công chúng (PR). PR thường dùng các phương tiện trung gian như các bài viết trên báo chí, các phóng sự truyền hình, truyền thanh, các chương trình tài trợ...
"Có trường hợp doanh nghiệp này muốn hạ thấp uy tín của đối thủ đã mua chuộc một người khác viết thư khiếu nại chất lượng sản phẩm của đối thủ với tư cách là một khách hàng. Sau đó, họ tạo dư luận bằng cách nhờ PR viết một bài báo về chuyện này. Dù đúng sai thế nào nhưng khi đã bị lên báo, uy tín doanh nghiệp kia cũng đã ít nhiều bị ảnh hưởng" - vị đại diện trên kể.
Cũng không ít doanh nghiệp dù đã nhận thức rõ ràng việc so sánh với sản phẩm của đối thủ trong quảng cáo là không được phép nhưng vẫn cố đưa thêm vào đó những lời nói đánh bóng tên tuổi mình và so sánh theo kiểu "tôi chả ám chỉ ai cả, cũng không nêu đích danh ai, chỉ nói chung chung thế thôi". Ông Hồng kể: "Trong những lúc kiểm duyệt phim quảng cáo, tôi đã chỉ cho các doanh nghiệp thấy chỗ này được chỗ kia không được nhưng họ cãi ghê lắm".
Các chuyên gia hy vọng, Luật Cạnh tranh ra đời, những hiện tượng như trên sẽ giảm bớt và môi trường kinh doanh quảng cáo sẽ lành mạnh hơn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật, những hành vi quảng cáo như so sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ chỉ phải chịu một mức phạt cao nhất là 25 triệu đồng. Ông Trần Nguyệt Đán, Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo VN, cho rằng, mức phạt như trên không thấm vào đâu so với chi phí quảng cáo của doanh nghiệp. Do đó, số tiền trên chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp trong khi giới quảng cáo có muôn hình vạn trạng ví von so sánh sản phẩm của mình với của đối thủ.
Ông Đỗ Văn Hồng cũng đồng ý với nhận định trên và cho rằng số tiền này khó có thể hạn chế doanh nghiệp làm sai vì chỉ cần dựng bộ phim quảng cáo 30 giây đã tốn tới vài trăm triệu đồng.
Nhiều chuyên gia còn lo ngại, có luật rồi nhưng việc thực hiện liệu có được hiệu quả hay không? "Có luật rồi nhưng thực hiện ra sao hay đâu lại vào đó. Nhiều ông giơ tay thống nhất luật rồi lại sẵn sàng ra quyết định trái với luật", ông Đán nhận xét.
Theo Luật sư Phạm Liêm Chính, Đoàn luật sư Hà Nội, để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong quảng cáo, Luật Cạnh tranh mới chỉ đáp ứng được 50% điều kiện, 50% còn lại là những yếu tố cần thiết để luật thực sự đi vào cuộc sống. Một trong những nhân tố quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp trong vấn đề này. Thực tế, có những doanh nghiệp để đạt được mục đích quảng bá sản phẩm của mình mà bất chấp mọi thủ đoạn, sẵn sàng "dìm chết" đối thủ. Do vậy, ông Chính cho rằng, điều quan trọng là doanh nghiệp phải hiểu được rằng, cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, có lợi cho sự phát triển của cả hai bên.
Yếu tố quan trọng không kém là bên bị tổn hại phải lên tiếng với các cơ quan chức năng khi phát hiện ra những trường hợp cố ý hoặc ngầm làm xấu đi hình ảnh của mình. Khi khiếu nại lên cơ quan chức năng, doanh nghiệp đó phải đưa ra đủ những bằng chứng chứng minh có hiện tượng quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Do việc cạnh tranh này có thể gây ra những thiệt hại về mặt vật chất nên nếu muốn có sự bồi thường, bên bị hại phải kiện ra toà án dân sự. Trong trường hợp không biết phải làm thế nào thì nên nhờ đến sự giúp đỡ của các luật sư tư vấn.
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh. Đối với hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh: Phạt tiền 15-25 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sau: So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác; Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về: giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; Cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; Các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác. |
Hà Vy - Việt Phong