Sáng 5/7, ông Hoàng (ở Hà Nội) đến Bệnh viện Bạch Mai tái khám sau thời gian điều trị ung thư đại trực tràng. Bác sĩ chỉ định chụp PET/CT nhằm xác định mức độ hiệu quả của điều trị. Lần trước ông phải sang bệnh viện tư chụp do máy bị "đắp chiếu". Lần này, bác sĩ hẹn ông tuần sau chụp tại viện do "máy đã được hoạt động trở lại".
"Tôi chụp CT ở bệnh viện tư nhân không được bảo hiểm chi trả nên tốn hơn 20 triệu đồng, nay chụp ở Bạch Mai là nơi đang điều trị nên được bảo hiểm y tế thanh toán, tôi chỉ trả vài triệu", ông Hoàng cho biết.
PET/CT là phương tiện chẩn đoán, theo dõi, điều trị nhiều bệnh lý, phát hiện sớm ung thư. Đây là loại máy hiện đại nhất, chi phí đầu tư rất cao, đến 60 tỷ đồng một máy. Trung bình, một máy có thể chụp cho khoảng 20-30 bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên, do máy này thuộc diện thiết bị xã hội hóa, vướng vấn đề pháp lý nên ngừng hoạt động trong hai năm gần đây.
Việc này khiến hàng nghìn bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai phải chuyển đi nơi khác chụp chiếu, chẩn đoán hình ảnh, xạ trị. Mỗi lần chuyển người bệnh sang viện khác là một lần chuyển bảo hiểm y tế, rất khó khăn. Chưa kể, bệnh nhân ung thư không được điều trị sớm thì lỡ thời gian vàng, ảnh hưởng kết quả điều trị.
Ngoài máy PET/CT, PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết vào tuần sau, những thiết bị như máy xạ phẫu Gamma knife giá 40 tỷ đồng, máy gia tốc để xạ trị hơn 100 tỷ đồng sẽ hoạt động trở lại. Với những tín hiệu trên, bệnh nhân không phải di chuyển đến cơ sở khác, gây mệt mỏi và giảm cơ hội khỏi bệnh, ông Cơ cho biết.
Những vướng mắc trên được tháo gỡ, là do một loạt chính sách đã được Chính phủ và Bộ Y tế ban hành từ cuối năm ngoái. Đặc biệt, cuối tuần qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 14, hiệu lực từ ngày 1/7 đến hết năm 2023, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 30 của Chính phủ. Văn bản này giúp các cơ sở y tế thuận lợi trong mua sắm trang thiết bị, đặc biệt là xây dựng giá gói thầu. Hội đồng khoa học công nghệ của các bệnh viện được trao quyền xem xét việc đảm bảo chất lượng của các sản phẩm, phù hợp với chuyên môn và khả năng mua sắm của đơn vị, thay vì chỉ phải tập trung lựa chọn giá thấp nhất như trước.
Ngay sau có thông tư, Bạch Mai xúc tiến thủ tục mua sắm ngay, bởi theo ông Cơ, việc mua sắm trang thiết bị y tế không thể dừng lại dù chỉ một ngày. Bệnh viện được mua sắm các vật tư theo nhu cầu và năng lực tài chính thì tránh tình trạng phải mua giá thấp nhất nên chất lượng sản phẩm thấp. "Ví dụ mua ống xông hút giá thấp nhất, gây biến chứng chảy máu phế quản cho bệnh nhân, hay con dao rạch da mấy lần mới được", ông Cơ cho biết, thêm rằng sau tháo gỡ, bệnh viện cũng mua sắm được linh kiện để sửa chữa các máy móc bị hỏng.
Cũng phải ngừng mổ phiên do thiếu vật tư y tế vào đầu năm, hiện Bệnh viện Việt Đức đã đầy đủ thuốc cũng như trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu người bệnh. Ông Đinh Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói Thông tư 14 mới ban hành đã mở rộng phạm vi mua sắm, cũng như khắc phục các hạn chế trong sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị. Trước đây, bệnh viện cần sửa máy cộng hưởng từ của hãng Siemens, quy định mua sắm yêu cầu ba báo giá. "Tuy nhiên, máy do hãng độc quyền, hỏng đành "đắp chiếu" chứ không có linh kiện ngoài hãng để thay thế. Nay, bệnh viện được mua linh kiện chính hãng để sửa chữa trang thiết bị", ông Thái cho biết.
Tại TP HCM, ông Tôn Văn Tài, Phó Phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết sau khi được tháo gỡ các vướng mắc về mua sắm đấu thầu, bệnh viện đã sửa chữa hai máy chụp cắt lớp vi tính (CT), hai máy chụp cộng hưởng từ (MRI), đưa vào hoạt động sau vài tháng ngừng hoạt động vì hư hỏng. Hiện nơi này có 4 máy CT, ba máy MRI, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu rất lớn của bệnh nhân. Bệnh viện đang làm hồ sơ mua thêm 3 máy CT và 2 máy MRI.
"Việc mua sắm đang tiến hành, hiện chưa ghi nhận các vướng mắc, dự kiến cuối năm có thể mua sắm xong để phục vụ bệnh nhân", ông Tài nói.
Cũng như Bạch Mai, giữa năm ngoái Chợ Rẫy không mua được máy móc và hóa chất xét nghiệm do các vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm phải gửi bệnh nhân đến cơ sở khác chụp chiếu. Chính phủ sau đó đã liên tiếp ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 (có hiệu lực thi hành ngay) cho phép bệnh viện thí điểm một số cơ chế mới mua sắm. Bộ Y tế cũng bỏ quy định khi đấu thầu thuốc "giá kế hoạch không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất trước đó" (giá trần) - tháo gỡ vướng mắc, giải quyết tình trạng đang thiếu thuốc trầm trọng. Nhờ đó, hầu hết đơn vị tuyến cuối như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy đã trở lại hoạt động bình thường.
Đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Y tế TP HCM) cho biết theo quy định trước đây, trong quá trình đấu thầu, khi thuê đơn vị thẩm định giá, nếu kết quả không phù hợp hoặc có sai phạm, chủ đầu tư vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Trong khi đó, thực tế các đơn vị không xác định được giá mới phải đi thuê nơi thẩm định, việc kiểm tra rà soát lại báo cáo thẩm định giá có đúng hay không lại vượt khả năng của chủ đầu tư.
Hiện quy định mới đã giải quyết vướng mắc này, chủ đầu tư không phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá do các đơn vị thẩm định giá cung cấp. Nhờ vậy, các bệnh viện có điều kiện đầu tư mua sắm trang thiết bị đúng chất lượng và nhu cầu điều trị bệnh nhân, phục vụ khám chữa bệnh kịp thời và hiệu quả, theo đại diện Sở Y tế TP HCM.
Lê Nga - Lê Phương