Viện nghiên cứu Trung tâm số 12, nằm cách Moskva 80 km về hướng đông bắc, là một trong các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên khắp nước Nga. Cơ sở này chịu trách nhiệm thử nghiệm khả năng chống chịu của các loại khí tài mới trong vụ nổ hạt nhân.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Viện nghiên cứu Trung tâm số 12 xây dựng một ống mô phỏng vụ nổ hạt nhân dài hơn 110 m. Thuốc nổ được đặt ở một đầu ống, các loại phương tiện hoặc khí tài được đặt ở đầu ống còn lại.
Khi kích nổ, khối thuốc nổ tạo ra luồng sóng xung kích cực lớn, tập trung trong lòng ống và hướng thẳng về phía khí tài ở đầu bên kia, giúp các chuyên gia thu thập dữ liệu và phân tích tác động của vụ nổ tới các trang thiết bị và hình nộm.
Chuyên gia Nga sử dụng ống mô phỏng để thử khả năng chịu sóng xung kích từ vụ nổ của khí tài. Video: Zvezda.
Sức công phá của vụ nổ có thể được tăng hoặc giảm tùy vào yêu cầu của thử nghiệm, mô phỏng khoảng cách xa gần của khí tài đối với khu vực xảy ra vụ nổ hạt nhân. Trong đoạn video được kênh Zvezda đăng ngày 13/11, sóng xung kích từ vụ nổ đủ mạnh để ép bẹp một chiếc ôtô dân sự thông thường.
Các cơ sở thử nghiệm vũ khí còn có hệ thống tạo ra xung điện từ, vốn thường xuất hiện sau vụ nổ hạt nhân. Những loại khí tài sử dụng nhiều linh kiện điện tử như Phương tiện Không người lái Mặt đất (UVG) sẽ trải qua bài thử nghiệm khả năng chống chịu tại đây.
Xung điện từ có thể làm rối loạn hoặc phá hỏng các thiết bị điện tử, khiến phương tiện quân sự giảm hiệu suất hoặc hỏng hoàn toàn.

Các Phương tiện Không người lái Mặt đất (UVG) của Nga chuẩn bị được thử nghiệm trong hệ thống tạo xung điện từ. Ảnh: Zvezda.
Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Đặc biệt (PTBT) được ký giữa Liên Xô, Mỹ và một số quốc gia năm 1963 khiến nhiều quốc gia có rất ít lựa chọn trong thử nghiệm tác động của vụ nổ hạt nhân đối với khí tài. Do đó, nhiều nước như Nga và Mỹ sử dụng ống mô phỏng vụ nổ hạt nhân để thử khí tài, trang thiết bị thay vì kích hoạt vũ khí hạt nhân thật.
Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia của Bộ Năng lượng Mỹ cũng có ống mô phỏng dài khoảng 10 m, có thể điều chỉnh sức công phá của khối thuốc nổ lên tới một tấn.
Mỹ và Nga đang tích cực nâng cấp và phát triển các loại vũ khí hạt nhân. Nga gần đây công bố một số "siêu vũ khí" như tên lửa hành trình dùng động cơ hạt nhân Burevestnik, ngư lôi hạt nhân Poseidon và phương tiện lướt siêu vượt âm Avangard, trong khi Mỹ cũng tăng cường các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung.
Nguyễn Tiến (Theo Zvezda. Drive)