Các trạm BOT trên quốc lộ trước năm 2015 đều thu phí thủ công, lái xe qua trạm phải dừng xe mua vé và trả tiền mặt. Cách thức này thường gây ùn tắc tại trạm, đặc biệt là trạm cửa ngõ Hà Nội, TP HCM. Cùng với đó, nhân lực thu phí lớn, tình trạng gian lận, quay vòng vé giấy xảy ra tại một số trạm BOT.
Với mục tiêu giám sát chặt chẽ doanh thu của dự án BOT và giảm ùn tắc giao thông, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các trạm BOT và được đồng ý.
Theo đó, một dự án hạ tầng giao thông sẽ có hai hợp phần, phần đầu tư hạ tầng gồm đường, cầu cống, trạm thu phí do nhà đầu tư BOT thực hiện. Phần thu phí do nhà đầu tư BOO đảm nhiệm với công nghệ tự động, bao gồm thiết bị lắp tại trạm, đường truyền dữ liệu, trung tâm điều hành, thẻ gắn trên xe...
Thiết bị thu phí tự động tại trạm có thể do nhà đầu tư BOT lắp đặt hoặc do doanh nghiệp BOO đầu tư. Số tiền phí của phương tiện qua trạm được đo đếm trên hệ thống và chuyển về nhà đầu tư BOO, sau đó đơn vị này hoàn trả cho doanh nghiệp BOT hàng ngày, trừ chi phí tổ chức thu theo hợp đồng.
Chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí không dừng sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp BOO. Chủ xe được cấp tài khoản giao thông, xe được dán thẻ trên kính hoặc đèn. Mỗi khi đến trạm BOT, thiết bị tại trạm đọc thẻ và trừ tiền tự động trong tài khoản giao thông của chủ xe, lái xe không phải dừng trả tiền vé.
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn một đến năm 2020 toàn bộ trạm BOT sẽ được lắp đặt hệ thống không dừng, tiếp tục giữ barie. Giai đoạn hai từ năm 2021 sẽ áp dụng trả sau cho phương tiện qua làn ETC. Giai đoạn ba từ năm 2023 bỏ barie. Giai đoạn bốn chỉ giữ lại giá long môn gắn thiết bị đọc thẻ, không còn các trạm và nhân viên vận hành.
Năm 2015, dự án thu phí điện tử không dừng đầu tiên (BOO1) do Công ty Thu phí tự động (VETC) triển khai, bao gồm đầu tư 35 trạm BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh với tổng vốn khoảng 1.500 tỷ đồng, áp dụng công nghệ thu phí tự động của Đài Loan. Đây là đơn vị duy nhất tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ ETC nên được lựa chọn.
Tùy thuộc vào lưu lượng phương tiện qua trạm mà VETC sẽ lắp đặt số làn ETC phù hợp, thông thường mỗi trạm lớn có 2-3 làn mỗi chiều, trạm nhỏ một làn.
Trên trục Bắc Nam có ba tuyến giao thông huyết mạch là quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc Nam. Thời điểm đó, các cao tốc chưa được đầu tư nhiều. Với tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, Chính phủ đặt kế hoạch các trạm BOT phải hoàn thành lắp đặt ETC vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, thời gian thương thảo hợp đồng giữa doanh nghiệp BOT và BOO bị kéo dài nên việc lắp đặt bị chậm. Doanh nghiệp BOT viện dẫn doanh thu thu phí thấp nên khó đầu tư thêm hệ thống ETC và trích lại cho đơn vị BOO.
Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp BOT trên đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1 bàn giao trạm thu phí đang vận hành để lắp đặt hệ thống ETC chậm nhất hết năm 2018, nếu không sẽ phải dừng thu phí. Việc lắp đặt làn ETC được nhân rộng ra toàn bộ trạm thu phí do địa phương quản lý, mục tiêu đồng bộ thu phí tự động trên toàn quốc.
Đầu năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đấu thầu đơn vị thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2) với 35 trạm. Công ty Giao thông số được chọn, lắp đặt toàn bộ 35 trạm BOT trong 4 tháng và cung cấp thẻ Epass cho chủ xe.
Thời điểm hoàn thành thu phí không dừng cũng được Chính phủ gia hạn đến cuối năm 2020 (kéo dài thêm một năm). Đến hạn chót, hai dự án BOO1 và BOO2 đã lắp ETC gần 80 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Còn 8 trạm chưa triển khai do doanh thu thấp, đang bị dừng hoặc sắp hết thời gian thu phí.
Các tuyến cao tốc huyết mạch như Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng đã hoàn thành lắp đặt ETC. Riêng 4 trạm thu phí trên các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành của Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) chưa thể lắp đặt ETC do chưa có vốn đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị lùi triển khai tại các dự án này để chờ nguồn vốn.
Đến nay, hệ thống thu phí không dừng đã được nhân rộng tại 118 trạm với 575 làn, trong tổng số 821 làn cần thực hiện, chỉ để một làn hỗn hợp thu phí một dừng tại mỗi trạm. Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ 821 làn trong năm nay. Với các tuyến cao tốc, Bộ hướng đến thu phí không dừng trên toàn tuyến, bỏ làn hỗn hợp, trước mắt thí điểm trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ tháng 6/2022, sau đó nhân rộng ra các tuyến khác.
Sau thời gian dài tìm nguồn vốn, VEC đã lên kế hoạch thuê dịch vụ để bắt đầu thu phí ETC trên ba tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ tháng 9 tới. Các dự án này đã được Chính phủ nhiều lần đốc thúc tiến độ, thậm chí sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể nếu để chậm.
Cùng với việc lắp đặt ETC tại các trạm BOT, đến nay cả nước đã có khoảng 2,6 triệu thẻ dán trên ôtô, đạt 57% tổng số phương tiện. Số phương tiện nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng đạt khoảng 50%.
Qua thời gian, thu phí không dừng đã phát huy nhiều mặt tích cực như tăng thời gian lưu thông, giảm ách tắc tại trạm thu phí, tăng minh bạch, chống gian lận. Tuy nhiên, so với kế hoạch đặt ra là từ năm 2023 bỏ barie trên các trạm BOT vẫn còn khoảng cách rất xa. Tỷ lệ xe dán thẻ vẫn còn thấp.
Hệ thống ETC vẫn tồn tại một số lỗi, gây bất tiện như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền hoặc tài khoản bị trừ tiền hai lần khi qua trạm, thậm chí có xe không lưu thông vẫn bị trừ tiền. Gần đây nhất ngày 24/4, cáp quang nội bộ truyền dữ liệu thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị đứt nên xe dán thẻ phải xếp hàng 2-3 km chờ trả tiền qua trạm.
Việc xử phạt chưa nghiêm dẫn đến nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện (chưa dán thẻ hoặc dán thẻ mà không nạp tiền hoặc thiếu tiền) vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí không dừng, gây ùn ứ cho làn dành riêng này.