![]() |
Khách hàng phải đến đúng máy ATM mới rút được tiền. |
Việc thành lập một trung tâm chuyển mạch tài chính quốc gia với chức năng chính là kết nối hệ thống thanh toán ATM giữa các ngân hàng được bắt đầu triển khai từ tháng 4 năm nay, theo gợi ý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Với tư cách là đơn vị chủ trì đề án, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (VBARD) cùng với Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Công ty tin học CFTD (Hà Nội) đã quyết định thành lập công ty cổ phần (thay vì trung tâm). Từ tháng 6, Ban trù bị đã hoàn thành các công việc và các thủ tục xin phép thành lập công ty, đồng thời hoàn tất dự thảo điều lệ hoạt động. Vốn điều lệ của công ty sẽ vào khoảng 50 tỷ đồng, trong đó 4 thành viên sáng lập góp 40 tỷ, còn lại dành để kêu gọi thành viên mới.
Phó tổng giám đốc VBARD Phạm Thanh Tân cho VnExpress biết, với thương hiệu BankNet, Công ty Chuyển mạch tài chính sẽ nhằm mục tiêu thiết lập một mạng lưới rộng khắp các thẻ được chấp nhận cũng như các điểm chấp nhận thẻ. Trước hết, giúp các ngân hàng thành viên sử dụng thiết bị một cách hiệu quả hơn, khai thác hết các tiện ích và chia sẻ tiện ích của các hệ thống với nhau. Bên cạnh đó, BankNet sẽ thiết lập kết nối tập trung với các tổ chức thẻ quốc tế (thay vì để các đơn vị thành viên tự thực hiện).
Cũng theo ông Tân, BankNet dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ chuyển mạch tài chính với nguồn thu chủ yếu phí giao dịch của ngân hàng phát hành thẻ và chủ thẻ. Khi khách hàng tiến hành giao dịch khác hệ thống (sử dụng ATM của ngân hàng thành viên khác), sẽ phải thanh toán khoản phí cho BankNet và ngân hàng thành viên đó theo một tỷ lệ nhất định. Theo ban trù bị của BankNet, hiện đã có 8 đơn vị chính thức nộp đơn xin góp vốn và tham gia công ty. Khi công ty thẻ đã ra đời, những ngân hàng vừa và nhỏ khác cũng có thể tham gia bằng cách chịu phí để trả cho những ngân hàng có thiết bị ATM cũng như BankNet.
Kết thúc cuộc họp chiều qua, Thống đốc Lê Đức Thúy đã thông qua đề án, đồng thời khuyến khích sự tham gia của tất cả các ngân hàng thương mại trong nước.
Tuy nhiên, với lý do chuẩn công nghệ cũng như mục tiêu lợi nhuận của BankNet chưa rõ ràng, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) tỏ ra miễn cưỡng khi được đề nghị cùng kết nối vào hệ thống thanh toán thẻ do VBARD đứng đầu.
Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc VCB Vũ Viết Ngoạn cho rằng, ông đánh giá cao kế hoạch quy hệ thống thanh toán thẻ của các ngân hàng về một mối. Tuy nhiên, theo ông, mô hình BankNet mà VBARD đưa ra nặng về việc kết nối hệ thống, ít tính thương mại. Hơn nữa, bản thân VCB cũng đã đưa ra đề án tương tự và được nhiều ngân hàng khác đánh giá cao. Vì vậy, có nhiều khả năng VCB sẽ tiếp tục đi theo cách của riêng mình.
Hiện tại, VCB đã ký hợp đồng kết nối với Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và dự kiến từ nay đến cuối năm sau sẽ tiến hành bước đi tương tự với 9 ngân hàng cổ phần khác. "Ngay khi hoàn tất những công việc đó, chúng tôi sẽ cho ra mắt công ty thẻ với sự tham gia của 11 thành viên, trong đó VCB chiếm tới 40% trong tổng số 50 tỷ đồng vốn điều lệ. Bộ Bưu chính Viễn thông cũng đang ngỏ ý muốn có mặt trong công ty với tỷ lệ góp vốn khá cao", Trưởng phòng Quản lý thẻ VCB Nguyễn Tú Anh cho VnExpress biết.
Cũng theo bà Tú Anh, dù triển khai đề án muộn hơn, nhưng thực chất VCB lại là ngân hàng đầu tiên đưa ra ý tưởng về một công ty trung gian kết nối hệ thống thanh toán thẻ tại Việt Nam, từ năm 1996. "Hơn nữa, trong khi các thành viên tham gia BankNet còn chưa thống nhất về mặt chuẩn công nghệ thì chúng tôi đã đi trước một bước, thể hiện ở hợp đồng hợp tác với Techcombank", bà nói.
Về việc cả VCB và VBARD đều muốn thành lập công ty thẻ do mình đứng đầu, một quan chức Ngân hàng Nhà nước bình luận: "Tại sao họ lại làm như vậy bởi ai cũng có thể thấy rõ là lợi nhuận của công ty đó chẳng nhiều nhặn gì. Họ cần phải hiểu, mục đích cuối cùng là cải thiện chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Nếu nói là để quảng bá danh tiếng cho mình thì cũng chưa đúng lắm. Vì khi công ty đi vào hoạt động, trên mỗi máy ATM chỉ được phép ghi tên các đơn vị thành viên mà thẻ của họ được chấp nhận tại máy này, chứ đâu có ghi ai là người đứng đầu công ty?".
Bà Nguyễn Tú Anh cũng thừa nhận, lợi nhuận của công ty thẻ là rất nhỏ. Tuy nhiên, bà cho rằng, VCB đã đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và đang thực hiện theo chuẩn công nghệ quốc tế, nếu tham gia BankNet mà phải thực hiện theo chuẩn khác thì sẽ phải đầu tư lại từ đầu. "Hơn nữa, việc tồn tại song song cả hai công ty thẻ cũng là một điều tốt, giúp cả hai cạnh tranh và cùng phát triển", bà nói thêm. Dù không muốn là thành viên BankNet, song phía VCB cũng để ngỏ khả năng sẽ kết nối với công ty này nếu nhận được những tín hiệu tích cực.
Không ít chuyên gia tâm huyết trong ngành tài chính ngân hàng cũng tán đồng ý kiến này. Họ cho rằng, việc ra đời một công ty chuyển mạch tài chính là tất yếu trong xu thế phát triển của thẻ thanh toán nhằm tránh lãng phí vì đầu tư trùng lặp. "Nhưng không vì thế mà nhất thiết phải quy tất cả về một mối. Ví dụ như Mỹ, nơi có hàng trăm ngân hàng thương mại, họ vẫn có nhiều công ty thẻ cùng tham gia thị trường và cung ứng các dịch vụ với chất lượng cao", lãnh đạo một ngân hàng nói. Ông còn tiết lộ với VnExpress, một ngân hàng cổ phần đang có ý định tham gia vào cả hai công ty do VBARD và VCB đứng đầu.
Hiện cả 4 ngân hàng thương mại quốc doanh đã hoàn thành hệ thống chuyển mạch và sẽ tiếp tục đầu tư thêm các thiết bị ATM. Dự kiến, đến cuối năm nay, bình quân mỗi ngân hàng sẽ có 100 máy, nâng tổng số thẻ phát hành trong cả nước lên tới 1,5 triệu chiếc. Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực thanh toán thẻ tại Việt Nam còn rất hạn chế. Doanh số hoạt động chủ yếu vẫn tập trung vào VCB (chiếm tới 60% doanh số thanh toán) và Ngân hàng cổ phần Á châu (45% doanh số).
Song Linh