Kíp tên lửa Nike Hercules tập trận bắn đạn thật
Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã triển khai hàng chục hệ thống tên lửa phòng không MIM-14 Nike Hercules mang đầu đạn hạt nhân để bảo vệ không phận nước này trước đòn tấn công hạt nhân của Liên Xô, theo War is Boring.
Thế chiến II kết thúc cũng là lúc quân đội Mỹ nhận ra pháo phòng không truyền thống dần trở nên lạc hậu. Kỷ nguyên máy bay phản lực đã tái định hình ngành hàng không quân sự, với những tiêm kích có thể bay nhanh và cao hơn tầm hoạt động của pháo phòng không. Để bắt kịp thời đại, Mỹ khởi động chương trình Nike với tham vọng bắn hạ máy bay đối phương bằng tên lửa, thay vì pháo phòng không .
Năm 1949, Liên Xô lần đầu thử vũ khí hạt nhân, mối đe dọa từ oanh tạc cơ mang bom nguyên tử trở thành thực tế, buộc Mỹ phải nâng cấp chương trình Nike. Chương trình Nike Ajax ban đầu chỉ sử dụng đầu đạn thông thường, không đủ để đối phó với lực lượng oanh tạc cơ Liên Xô.
Các máy bay Liên Xô có thể giữ đội hình ở khoảng cách gần, khiến hệ thống Nike Ajax không thể nhận dạng từng mục tiêu riêng lẻ. Việc bắn tên lửa vào giữa biên đội oanh tạc cơ cũng không hiệu quả, do đầu đạn của Nike Ajax chỉ đủ sức hạ một máy bay.
Quân đội Mỹ cần loại tên lửa mạnh hơn bằng việc chuyển sang kế hoạch B của chương trình, có tên gọi Nike Hercules. Dự án này khá giống Ajax, nhưng sử dụng nhiều tên lửa đẩy và động cơ lớn hơn, đồng thời được trang bị đầu đạn hạt nhân. Nike Hercules có thể sử dụng đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân W31 có sức công phá tối đa 40 kiloton, gấp đôi quả bom ném xuống thành phố Nagasaki.
Năm 1958, Mỹ bắt đầu triển khai tên lửa Hercules quanh các thành phố quan trọng, cơ sở công nghiệp và căn cứ quân sự chiến lược. Đến năm 1963, mọi tên lửa Ajax thế hệ đầu đều được thay thế bằng biến thể Hercules.
Tuy nhiên, tên lửa này vấp phải sự cạnh tranh từ đối thủ trong ngành chế tạo vũ khí. Lục quân Mỹ chế tạo tên lửa Nike Hercules, còn không quân Mỹ cũng phát triển mẫu tên lửa phòng không hạt nhân trong chương trình riêng mang tên Bomarc.
Tên lửa Bomarc sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) để phóng đầu đạn hạt nhân W40 vào các mục tiêu trên không. Không quân Mỹ muốn Bormac đánh bại Hercules và được triển khai đại trà toàn quân.
Theo chuyên gia quân sự Adam Rawnsley, khi lục quân tiết lộ địa điểm triển khai Hercules, không quân đã cho đăng nhiều bài báo, tuyên bố loại tên lửa này không thể bảo vệ không phận Mỹ trước oanh tạc cơ Liên Xô.
Dù vậy, Hercules vẫn chiếm ưu thế bởi nó sử dụng nhiên liệu rắn, trong khi Bomarc hoạt động bằng nhiên liệu lỏng. Điều này giúp đơn giản hóa quy trình bảo dưỡng Hercules, cũng như cho phép nó tiêu diệt mục tiêu ở độ cao lớn hơn Bormac.
Lục quân Mỹ triển khai nhanh hơn, biến Hercules thành tên lửa phòng không đầu tiên được trang bị đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, một quả Bomarc bốc cháy vào ngày 7/6/1960, khiến phóng xạ lan rộng và buộc không quân Mỹ cắt giảm ngân sách của tên lửa này.
Quốc hội Mỹ quyết định đặt hàng tên lửa Bomarc để triển khai ở 10 địa điểm và mua 145 khẩu đội tên lửa Nike Hercules. Cả hai hệ thống phục vụ đến đầu thập niên 1970. Chính dự án Nike đã tạo nền tảng để Mỹ phát triển chương trình phòng thủ tên lửa sau này.
Ngoài Nike Ajax và Hercules, quân đội Mỹ cũng triển khai dự án Nike Zeus để đối phó tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Chương trình này có triển vọng trong thử nghiệm, nhưng bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara đã chấm dứt nó vào năm 1963, do Zeus không thể đối phó nhiều mục tiêu cùng lúc.
Duy Sơn