![]() |
Các đại lý thép có thể không được quy định giá. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo dự thảo, chỉ có nhà sản xuất, nhập khẩu được quyền quy định giá bán buôn, bán lẻ thép xây dựng trong toàn hệ thống. Mọi cửa hàng, điểm bán lẻ không thuộc hệ thống kinh doanh của nhà phân phối thép hoặc hệ thống của các tổng đại lý do các nhà phân phối thiết lập, đều không được phép kinh doanh thép trên thị trường nội địa.
Tuy mới được gửi đến các doanh nghiệp lấy ý kiến, bản dự thảo quy chế đã không được ủng hộ. Giám đốc công ty thép Hoà Phát Chu Quang Vũ cho rằng cách xây dựng hệ thống phân phối như vậy chẳng khác nào mô hình thời bao cấp xưa, khi ấy nhà sản xuất khống chế giá từ đầu tới cuối. "Nếu các đại lý chỉ được bán hàng và ăn hoa hồng, họ sẽ yêu cầu được trả chậm có khi dây dưa tới 6 tháng. Trong khi hiện nay mỗi năm một nhà máy thép cần 500 tỷ đồng vốn lưu động để quay vòng, bán hàng như vậy lấy đâu ra tiền để quay vòng sản xuất, mà giá phôi thế giới lại biến động hằng ngày", ông Vũ nhận xét. Theo ông Vũ, hệ thống phân phối như trên sao y bản chính ngành xăng dầu nhưng thép và xăng dầu là hai mặt hàng khác nhau, do đó nhà sản xuất khó có thể áp dụng được.
Tổng công ty Thép (VSC) cũng không tán đồng quan điểm xây dựng hệ thống phân phối hưởng hoa hồng vì họ cho rằng phải tập trung nguồn lực để tổ chức sản xuất ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao về chất lượng và giá thành, còn doanh nghiệp thương mại sẽ đảm nhận vai trò phân phối sản phẩm. Ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc VSC cho biết, Tổng công ty không có kế hoạch phát triển các nhà buôn nhỏ bởi đây là đối tượng khách hàng không thường xuyên của nhà sản xuất, khi hàng thiếu các nhà buôn này mới trực tiếp đến công ty mua, ngoài ra họ thường yêu cầu được bán trả chậm trong khi VSC quy định thanh toán ngay 70% tiền hàng.
Tổng giám đốc liên doanh VinaKyoei Doi Makoto cho rằng, họ không muốn thành lập hệ thống nhà phân phối cấp III vì phải huy động nhiều nhân công và chi phí lớn.
Khi đưa ra mô hình trên, một quan chức Bộ Thương mại cho rằng ngành thép cần cắt giảm bớt khâu trung gian đội giá, loại bỏ mô hình tiêu thụ "mua đứt, bán đoạn", sử dụng cơ chế đại lý tiêu thụ cho hưởng chiết khấu để kiểm soát được giá trên thị trường.
Theo vị quan chức này, với cơ chế tiêu thụ theo mạng lưới phân phối như hiện nay, người dân hầu như không thể mua được thép với giá gốc dù đến tận đại lý của nhà máy. Bởi mỗi một khâu phân phối, giá thép lại được cộng thêm những chi phí như : cước vận chuyển, chi phí quản lý, kho bãi... Đây có thể là nguyên nhân đẩy giá thành một tấn thép cuộn Thái Nguyên bán tại cổng nhà máy khoảng 7 triệu đồng, nhưng đến tay người dùng bị đội thêm 500.000 đồng.
Phong Lan